Hơi thở cuộc sống từ trang văn... - Đoàn Lương

9:56 AM |
Có thể nói năm 2017 là một năm khá khởi sắc đối với văn học thành phố. Dù ở mỗi thể loại khác nhau nhưng hầu hết các tác phẩm đều được các tác giả tập hợp, tuyển chọn rất công phu nên chất lượng khá đồng đều. Những trang viết đã mang hơi thở cuộc sống và gần gũi hơn với người đọc, góp phần tạo nên không khí văn học thành phố thêm sôi động.
Chất lượng khá đồng đều
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố cho biết, trong năm qua, các hội viên của Hội Nhà văn thành phố đã xuất bản 19 tác phẩm, trong đó có 1 tiểu thuyết tái bản của nhà văn Thái Bá Lợi viết về chiến trường Thừa Thiên Huế-Quảng Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công chiến dịch Tết Mậu thân 1968. “Trong 19 tác phẩm được Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố xét thưởng có 4 tác phẩm được đánh giá cao, bao gồm: tập truyện dài Chó hoang của nhà văn Bùi Tự Lực viết cho thiếu nhi. Tập truyện với bút pháp được trau dồi, nội dung chất lượng cao. Dù mới ra đời chưa được 1 năm nhưng tác phẩm tái bản 2 lần. Tác phẩm này cũng được Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) thành phố trao giải thưởng. Một tác phẩm nữa là tập truyện và ký có tên Trầm của tác giả Phạm Phát được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải A. Tuy đã ngoài 84 tuổi nhưng với kinh nghiệm qua thời kỳ kháng chiến, cán bộ lãnh đạo thành phố, bút lực của ông vẫn rất dồi dào. Với giọng văn súc tích, có chất văn trong từng truyện ngắn, ông đã đưa người đọc quay trở về những kỷ niệm thời chiến tranh và thấm đẫm tình người sau cuộc chiến. Hai tác phẩm tiêu biểu nữa là tập truyện ngắn Những cuộc hẹn bên lề của Trần Trung Sáng và tập thơ Kéo co với mùa Xuân của nhà thơ Nguyễn Kim Huy”, ông Nguyễn Nho Khiêm nhận xét. Có thể nhận thấy rằng, với tập truyện ký Trầm, qua cách hành văn trong sáng, giản dị, nhưng khá xúc động, tác giả Phạm Phát đã giúp người đọc có thêm cái nhìn nhân văn về tình yêu thương con người với những vết thương chưa lành hẳn khi họ bước ra khỏi cuộc chiến. Trong khi đó, tác phẩm Chó hoang, bằng sự chịu khó quan sát trong nhiều năm về những chú chó hoang, tác giả Bùi Tự Lực đã có những nét khắc tinh tế về tính cách của con Vằn, gửi gắm đến độc giả nhỏ tuổi rằng, “hãy yêu thương con người, yêu thương loài vật, bởi khi sống có tình yêu thương chúng ta mới hạnh phúc”. Còn Những cuộc hẹn bên lề của tác giả Trần Trung Sáng lại đem đến người đọc nỗi thương cảm, day dứt, luyến nhớ bằng mạch văn mộc mạc, chân chất. Bên cạnh đó, văn học trẻ thành phố cũng xuất hiện những cây bút mới, đặc biệt là tác giả Trương Thị Bách Mỵ chưa phải là hội viên của Hội Nhà văn thành phố nhưng đã ra tập thơ Đêm chảy dài trên tóc, khẳng định được tên tuổi của mình với những bài thơ có chất. Ngoài ra còn xuất hiện có một số cây bút đáng chú ý như Lê Nguyễn Quốc Việt với tập truyện ngắn Sương trắng, Đỗ Thượng Thế với tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa…
Khích lệ sáng tác
Có được kết quả trên phải kể đến sự quan tâm của Hội Nhà văn thành phố trong việc tạo điều kiện, khơi gợi cảm hứng cho các tác giả từ những chuyến đi thực tế, cụ thể là việc tổ chức cho các hội viên tham gia các trại sáng tác do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Trong năm 2017, Hội đã tổ chức đi thực tế ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) và thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy chỉ đi trong một thời gian ngắn nhưng các hội viên đã xây dựng đề cương của mình. Trong 19 tác phẩm được xuất bản trong năm qua có một số tác phẩm hoàn thành ý tưởng từ các trại sáng tác.
Các đại biểu tham dự hội nghị văn trẻ Đà Nẵng 2017 (ảnh: Đinh Trang)
Bên cạnh đó, Hội cũng đã tổ chức thành công Hội nghị những người viết văn trẻ (mở rộng) với sự tham gia của 36 tác giả trẻ đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và Hải Dương. Chia sẻ về ý nghĩa của hội nghị này, anh Phan Nam, một cây bút trẻ cho biết: “Hội nghị đã giúp kết nối những người viết trẻ xích lại gần nhau hơn, tạo nên không khí đoàn kết, thân mật và gần gũi. Ở đó, tôi được nghe những chia sẻ, ý kiến của các tác giả trẻ trên con đường sáng tạo không mệt mỏi. Tuy vẫn còn thiếu một số đại biểu là các tác giả nổi bật trên văn đàn trẻ miền Trung nhưng các đại biểu tham dự đúng chất “trẻ”, đầy nhiệt huyết và sôi nổi. Hội nghị đã góp phần tạo thêm động lực để tác giả trẻ tiếp tục hành trình sáng tác và chinh phục bạn đọc”. Anh Trương Công Tưởng, một cây bút trẻ đến từ Bình Định tham gia hội nghị cũng đề xuất, trong hội nghị lần sau, Hội Nhà văn thành phố cần mời thêm nhiều tác giả trẻ có tên tuổi để các tác giả trẻ có cơ hội làm quen, giao lưu, trao đổi; đồng thời hỗ trợ kinh phí, tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá, biểu dương lực lượng và nội lực của những người viết trẻ. Theo ông Nguyễn Nho Khiêm, thế hệ những nhà văn sau 1975 hầu hết là các cây bút chủ lực nhưng lớn tuổi và cần có thế hệ nối tiếp. Một thế hệ trẻ mới tiếp nối đã có cách nhìn khác, giọng văn khác, những người đi trước cần có trách nhiệm săn sóc, giúp đỡ. Tuy lớp trẻ có nhiều điều kiện sáng tác hơn trước nhờ được học hành bài bản, biết ngoại ngữ, viết nhanh nhưng nếu chọn nghề viết thì chưa thể sống được nên bị chi phối nhiều. Do đó, việc đam mê viết chỉ trở thành nghề tay trái. Dù chưa có kinh nghiệm tổ chức nhưng hội nghị đã có những thành công nhất định, góp phần giúp lớp trẻ hòa nhập nhịp sống văn học của thành phố. Với chủ trương đưa thi ca gần hơn với đời sống người dân thành phố, nhân dịp Ngày Thơ Việt Nam 2018 (15 tháng Giêng), Hội Nhà văn thành phố phối hợp với UBND quận Liên Chiểu tổ chức đêm thơ tại Trung tâm Hành chính quận với chủ đề “Thơ đồng hành cùng đất nước” và giao ca sĩ Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương làm tổng đạo diễn chương trình. “Năm nay, Hội chọn quận Liên Chiểu để tổ chức đêm thơ, bởi vừa qua Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc cấp quốc gia, đồng thời hội cũng mong muốn nhấn mạnh đến văn hóa phía tây bắc của thành phố”, ông Khiêm khẳng định.
Tuyển thơ "như tiếng biển đêm" gồm 20 tác giả nữ Đà Nẵng ra mắt bạn đọc nhân dịp xuân Mậu tuất 2018
Vào đầu tháng 3-2018, Hội Nhà văn thành phố sẽ tổ chức tọa đàm “Thơ nữ Đà Nẵng, nội dung và thư pháp” nhân dịp Hội Nhà văn xuất bản tuyển tập Như tiếng biển đêm của 20 tác giả nữ thành phố. Trong đó có một số cây bút đáng chú ý như Hoàng Thị Thương (Quế Hương), Đinh Thị Như Thúy, Khánh Hồng, Ngô Thị Thục Trang… Sự ra đời của tuyển tập này nhằm khẳng định những đóng góp tích cực của lực lượng sáng tác nữ của thành phố đối với lĩnh vực văn học thành phố trong thời gian qua. “Đây là một sự khích lệ lớn đối với các tác giả nữ. Sáng tác là một công việc rất... cô đơn, nhưng được ghi nhận, được đánh giá đúng cũng là một nhu cầu rất đỗi tự nhiên của người cầm bút, dù là chuyên hay không chuyên. Và tôi rất háo hức mong chờ ngày ra mắt tuyển tập này để được thưởng thức những tác phẩm tâm huyết, đầy tính nữ của các cây bút mà mình yêu thích”, chị Ngô Thị Thục Trang khẳng định.
ĐOÀN LƯƠNG
Nguồn: baodanang.vn

Xem tiếp…

Chuyến xe ngựa về Bảy Núi... bài viết của Phan Nam.

5:20 PM |
 
Nhà văn Trần Tùng Chinh.
Là tên cuốn sách tập hợp 19 truyện ngắn của nhà văn Trần Tùng Chinh vừa được NXB Văn hóa - văn nghệ ấn hành quý III.2017, đưa bạn đọc khám phá miệt vườn sông nước miền Tây qua những câu chuyện khắc khoải mơ hồ, lấp lánh tình đời, tình người.
Qua những quan sát tỷ mỷ và tinh tế, tác giả như một họa sĩ trên con đường tìm về nét đẹp xưa cũ của quê hương qua những mảng màu trong trẻo, những chấm phá mơ hồ, chan chứa tấm lòng son sắt, nồng nàn yêu thương. Câu chuyện mở đầu cũng là tựa cho toàn bộ tập truyện, người đọc như nghe tiếng vó ngựa vọng về tâm tưởng, âm sắc huyền thoại của miền Thất Sơn tạc dựng thật vững chãi trong tâm tưởng, thực khó lòng phai nhạt, sụp đổ. “Tiếng vó ngựa lộp cộp, tiếng lục lạc leng keng, tiếng quất roi bành bạch. Lạ một điều là dường như âm thanh ấy cũng có mùi. Cái mùi nhớ”, những dòng miêu tả dạt dào chất thơ, chất trữ tình đang quấn chặt lòng người chẳng thể nào buông bỏ, bởi vì “vũng ký ức đang loang ra trong lòng”, “con đường quen thuộc ấy cứ hun hút xa như không có điểm dừng”. Xuyên suốt câu chuyện là hàng loạt âm thanh gõ lên từng nhịp ẩn hiện trũng sâu tiềm thức, ăn mòn đôi mắt thời gian, len lỏi tâm can, chảy tràn thân xác. Người đọc chỉ cần cựa mình thì lập tức con tim thổn thức lạc vào chuyến xe ấy như một giấc mê dài. Chuyến xe ngựa của bà Cà Thu thiệt thà đến mức khiến người đọc lầm tưởng đây là một bài bút ký, gợi mở nhiều suy tưởng: “Bà Cà Thu lại cảm thấy cái nhìn của mình nghèn nghẹn nước, cảm thấy như chiếc xe ngựa mình đang ngồi dưng không trở nên rưng rưng. Và chiếc xe ấy không đi về phía con đường Bảy Núi nữa mà đang từ từ tiến sâu vào vùng quá khứ tưởng đã mờ mịt hai mươi năm trước. Chẳng lẽ...”.
Bìa sách 'chuyến xe ngựa về Bảy Núi'
(ảnh Phan Nam)
Câu chuyện “lục bình” miêu tả hình ảnh tưởng chừng đã quá quen thuộc về những vạt lục bình trôi nổi trên sông: “Hình như lục bình cũng vậy. Chúng không bao giờ cuồn cuộn trôi đi riết róng mà chỉ lờ đờ, từ từ mà dịch chuyển từ khúc sông này qua dòng sông khác, vậy mà hành trình của chúng lại rất xa xôi, diệu vợi”. Bức tranh lục bình của tác giả Trần Tùng Chinh mang màu sắc đượm buồn, cái buồn mang tầm vóc của quê hương xứ sở, và hình như mỗi người có thể tìm thấy mình trong câu chuyện ấy. Cảm xúc trong những chuyến đi - về luôn mang lại cho mỗi người nhiều nghĩ suy giữa biết bao bộn bề, lo âu của cuộc sống. Giấc mơ dẫu chỉ mới được khai mở thoáng chốc, mà sao đẹp đẽ đến thế, sáng trong đến thế, ngọt ngào đến thế: “Tím mơ màng nghĩ đến những tấm thảm lục bình được đan kiểu xương cá, những khung lục bình đan hình hạt gạo. Những sản phẩm dân dã với màu nâu đất tự nhiên như màu của làng quê, màu của phù sa mùa nước đổ, lại rất mịn màng mềm mại bởi thấm trong đó những giọt mồ hôi mằn mặn của Viễn, của Tím”. Những truyện khác như “bà Tám bị gãy chân”, “đêm phòng trọ”, khóc nữa đi Kim”, “tạnh mưa” dẫu đề tài không mới, nhưng qua lăng kính của tác giả, những nhân vật hiện ra thật sống động nhưng cũng thật mơ hồ, được lồng ghép vào trong không gian được nhà văn dụng tâm sắp đặt, đã làm nổi bật cảm giác cô đơn của tâm hồn, nghĩa Tào Khang dằn vặt đau đớn, nỗi buồn của cơn mưa ướt lạnh thân xác và băng giá trong giây phút chia ly, hình ảnh người thầy thật đẹp mang lại biết bao hi vọng được gieo mầm trong trái tim học trò thơ dại... “Một chuyến về thành” là hành trình tìm về ký ức thuở “tên bay đạn lạc” khi đất nước còn chiến tranh, tác giả Tùng Chinh với thế mạnh miêu tả khung cảnh nhẹ nhàng, lãng mạn đã bỏ qua nhiều chi tiết bi thương, những tình huống hồi hộp gay cấn để ngợi ca tình cảm gia đình, vẫn mang hơi hướm trầm buồn nhưng con thuyền chứa chan khát khao hạnh phúc vẫn luôn đong đầy qua bao đổi thay, bất trắc. Không quá dụng công vào cốt truyện, không quá cầu kỳ trong việc dẫn dắt bạn đọc, nhà văn Trần Tùng Chinh đã đưa độc giả đi từ không gian này đến không gian khác, với nhiều câu văn chảy tràn theo xúc cảm, hoàn toàn bỏ qua lý tính. “Thương cố tình đứng dụi mình vừa đủ nép vào phía bờ vai chồng và bất giác hít một cái thật sâu. Thế là cái mùi của chồng sực nồng ngập tràn mắt mũi Thương, lùa vào hai bên má rồi chui vô mớ tóc kẹp phía sau đầu. Cái mùi nồng nồng đó còn luồn xuống ngực Thương căng tròn đang dập dồn dưới làn áo mỏng” (Mùi chồng). Những truyện như “mồ tổ cha bây”, “lội sông”, “nguyệt thực”, “Nhị đi lấy chồng”, “Má ơi, con má”, “nắng chiều”... được tác giả miêu tả sắc nét ở chiều kích không gian và thời gian, các nhân vật hiện ra thật đẹp và huyền ảo, đưa câu chuyện rẽ lối với nhiều cảm xúc mênh mang, day dứt. Tuy nhiên, phần kết câu chuyện luôn được tác giả bỏ lửng đôi khi gây ra cảm giác hụt hẫng, đôi chút tiếc nuối... Khép lại tập truyện, tác giả thử nghiệm ở thể loại truyện giả tưởng, kể về câu chuyện một thầy lang trẻ tên Sinh, nối nghiệp cha mình ở hiệu thuốc Ngọc Thảo Đường, chuyên chế thần dược điều trị các loài kỳ độc của rắn. Chàng gặp một người con gái xinh đẹp tên Bạch Hoa Nhi, hai người gặp nhau trong một đêm trăng sáng ở Động Chân Tiên, nhưng dường như có một mối thù truyền kiếp chẳng thể nào phá bỏ được, câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh “hình như mùi hương nồng nồng ngai ngái vẫn còn lan tỏa đâu đây”. Nhà văn Đinh Lê Vũ từng nhận xét: “Chuyến xe ngựa về Bảy Núi là tập truyện ngắn thứ tám của nhà văn - thầy giáo dạy văn Trần Tùng Chinh... Với hơn 150 trang in, 19 truyện ngắn góp nhặt trong sách là những chấm phá dung dị và chân thành về chuyện đời, chuyện người miền Tây lương thiện, hiền lành giữa những khắc nghiệt của đời sống”. Và không thể thiếu nỗi niềm quê xứ đong đầy trong làn sương mờ chập chờn hư ảo, vẫy gọi độc giả bắt đầu hành trình khám miền Tây trên chuyến xe ngựa về Bảy Núi.
Đà Nẵng, tháng 12.2017
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Con đường văn trẻ... - bài viết của Phan Nam.

9:23 AM |
Vào những ngày cuối của năm 2017 vừa qua, hội nghị những người viết văn trẻ lần đầu tiên được hội nhà văn thành phố tổ chức, đã tập hợp được một số tác giả trẻ tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh miền trung, khơi dậy phong trào sáng tác sôi nổi sau một thời gian trầm lắng. Viết văn là một chặng hành trình dài, đầy gian nan và thử thách. Con đường mỗi người trẻ đến với văn chương khác nhau nên hình thành nhiều phong cách, bút pháp đa dạng, không ai giống ai nhưng tựu trung lại là lòng đam mê, nhiệt huyết, luôn đau đáu với con chữ để có thể sáng tạo nên tác phẩm hay. Qua tuyển tập “giao hưởng và đốm lửa” xuất bản năm 2010 tập hợp 15 cây bút trẻ mang lại một luồng gió mới cho văn học thành phố, với những tác giả khẳng định tên tuổi trên văn đàn cả nước: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đinh Lê Vũ, Nguyễn Thị Anh Đào, Ngô Thị Thục Trang, Phạm Nguyễn Ca Dao, Huỳnh Lê Nhật Tấn... Phải đến hơn 7 năm sau, câu chuyện văn học trẻ mới một lần nữa được đặt ra và nhắc đến. Những khó khăn trong sáng tác văn chương đều được nhìn nhận qua mỗi thời kỳ, tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, người trẻ luôn vượt qua khó khăn, nỗ lực sáng tạo, góp phần hình thành phong trào sáng tác mạnh mẽ, cố gắng xuất hiện đều đặn trên các ấn phẩm báo chí, văn chương và xuất bản những tác phẩm để lại ít nhiều dấu ấn.
Các tác giả trẻ giao lưu, chụp ảnh kỷ niệm (ảnh: Đinh Trang)
Có thể kể đến tác phẩm như: bởi cuộc đời không có những giá như, mưa từ cõi tạm (Diệu Ái), đêm chảy dài trên tóc (Trương Thị Bách Mỵ), có một chuyện tình trên những ngón tay êm, về ăn một bữa cơm nhà (Lê Hồng Mận), màu vẽ cuộc sống (Nguyễn Đỗ Quốc Văn), tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, từ ngữ ngư dân địa bàn Đà Nẵng (Đinh Thị Trang), tiếng gọi lúc nửa đêm (Nguyễn Thanh Tuấn), câu trả lời nằm ở cuộc yêu sau (Ngô Võ Giang Trung)... đây là những tác phẩm được xuất bản qua quá trình sáng tạo không mệt mỏi của các tác giả trẻ, phần nào đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả, công chúng. “Người viết chinh phục độc giả không hẳn bằng số lượng đầu sách, số lượng bài đã đăng báo mà ở quá trình miệt mài, cố gắng để cho ra tác phẩm tốt nhất của mình, tác phẩm sẽ ra đời vào một ngày nào đó. Nên chi là người viết trẻ thì cứ dốc lòng viết, tận tâm, nhẫn nại nếu bạn muốn đi theo con đường này. Nhà văn Tô Hoài từng nói, “nghề viết là nghề phải học suốt đời”, bất luận tuổi đời, bất luận tuổi nghề, còn viết thì còn phải học...”, tác giả trẻ Diệu Ái (Quảng Trị) chia sẻ. Rất nhiều tác giả trẻ tham dự hội nghị viết văn trẻ khi mới đặt chân vào địa hạt sáng tác, vẫn còn bỡ ngỡ, không ít trong số đó vẫn chưa xuất bản tác phẩm đầu tay, đây là một thách thức và cũng là cơ hội để tác giả tiếp tục dấn thân, cống hiến và khẳng định mình. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm từng cho rằng “nghề văn nó lạ lắm, không như những nghề khác cứ có thời gian là làm được, nhiều khi rảnh cả tháng, chẳng viết được chữ nào, có khi thơ chỉ là một khoảnh khắc bên quán cà phê, khoảnh khắc một mình trong đêm vắng...”. Con đường sáng tạo của người trẻ vẫn còn rất dài, không chỉ qua hai ngày diễn ra hội nghị viết văn trẻ lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố bên sông Hàn. Qua những chia sẻ của những nhà văn, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Mai Hữu Phước, Thái Bá Lợi, Bùi Tự Lực, Nguyễn Kim Huy... hi vọng các tác giả sẽ nhìn nhận lại công việc viết lách và chọn ra con đường đúng đắn cho riêng mình.
PHAN NAM

Xem tiếp…

Mùa xuân gieo hạt - thơ Phan Nam.

8:57 AM |
Chạm xuân

Con ngõ nối dài mùa xuân
Tôi chạm khẽ cánh đồng ngái ngủ
Những thanh âm tưởng chừng bất tận
Vỗ về mạch ngầm thời gian

Hỏi ai thao thức đợi xuân
Đóa vạn thọ chưa rũ cánh tàn
Khất thực bài thơ nhang khói
Người với người sao chẳng chịu thương nhau

Như suối chảy về nguồn
Mỗi giấc mơ một ngọn lửa
Cháy hết mình dâng hiến tuổi thanh xuân
Khúc ruột quê hương nuôi ta khôn lớn...
12.02.2018

Tháng chạp ân tình

Những xáo trộn của ngày tháng cũ
Gói ghém tà áo rộng dài
Giai điệu mùa xuân cất lên rộn ràng
Đất trời ngậm giọt sương mai

Nhắm mắt lại đong đếm sợi tóc rụng rơi
Ngôi nhà chật chội
Đón từng làn nắng mới
Con chữ cựa quậy phơi mở tương lai

Giai phẩm xuân ấp ủ bao sắc màu
Nỗi cô đơn bắt đầu khai hội
Lòng người nghi ngút nhang khói
Tháp chạp thấm đượm ân tình
Tam Kỳ. 10.02.2018

Con đường mùa xuân

Người về từ cõi trăm năm
Thời gian ươm tơ dệt lụa
Nước mắt cho người thay áo
Mùa xuân đi ra đi vào

Bài thơ gạn đục khơi trong
Người mang áo giấy qua sông
Thay mặt khói nhang khấn vái
Nặng nợ một nhúm tro tàn

Nắm chặt tay gieo nắm thóc quê kiểng
Mùa xuân chảy tràn đồng xanh
Bao nhiêu năm nuôi giấc mộng lành
Mùa xuân chôn nhau cắt rốn.
07.02.2018

Mùa xuân gieo hạt

Mang theo hình hài mùa xuân
Những đôi tay cần mẫn
Những trái tim ấm áp
Những tâm nguyện dở dang

Con nước mãi xuôi dòng
Cánh đồng thay áo mới
Mùa xuân bắt đầu vun xới
Khu vườn của niềm tin

Đường không lối đi mãi cũng thành đường
Chuyện tình chẳng mở đầu, kết thúc
Mùa xuân muôn hoa khoe sắc
Những giấc mơ lặng lẽ tượng hình...
02.02.2018

PHAN NAM

Xem tiếp…

Chờ một thế hệ sáng tác rộn ràng hơn... - Tiểu Yến

9:48 PM |
Sự vắng bóng các tác giả trẻ Đà Nẵng trong một số giải thưởng văn học thời gian gần đây cho thấy công việc thường nhật dường như đã lấy đi rất nhiều cảm xúc và nội lực sáng tác của họ. Còn nhớ, năm 2010, văn học trẻ thành phố Đà Nẵng đánh dấu giai đoạn phát triển mới bằng sự ra đời cuốn sách Giao hưởng và đốm lửa (NXB Đà Nẵng) - tuyển tập thơ, văn xuôi của 15 tác giả văn học trẻ đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố. Đây cũng là ấn phẩm in chung đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của những cây bút trẻ. Một, hai năm trở lại đây, ngoài một số cây bút có nội lực sáng tác như Nguyễn Thị Anh Đào, Lê Nguyễn Quốc Việt, Đoàn Minh Châu, Đinh Lê Vũ, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Hạo Nhiên (Lê Trung Kiên)..., đã có một số cây bút trẻ xuất hiện. Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng Nguyễn Nho Khiêm, tuy không phải là hiện tượng văn học nhưng ít nhiều họ đã để lại ấn tượng. Đơn cử như Trương Thị Bách Mỵ với tập thơ Đêm chảy dài trên tóc, Lê Hồng Mận với Có một chuyện tình trên những ngón tay êm, Về ăn một bữa cơm nhà, Ngô Võ Giang Trung với Câu trả lời nằm ở cuộc yêu sau, Nguyễn Đỗ Văn Quốc với Màu vẽ cuộc sống, cùng một số tác giả triển vọng như Phan Nam, Lê Thị Thúy Ái, Trần Nguyên Hạnh, Hồ Diễm Kiều...
Các tác giả trẻ giao lưu, chụp hình kỷ niệm (ảnh Đinh Trang)
Để tự khẳng định mình, các tác giả trẻ không ngừng tìm lối đi riêng. Ngô Võ Giang Trung, tác giả tập thơ Câu trả lời nằm ở cuộc yêu sau, với những câu thơ đậm chất ngôn tình: “Khi người con gái ta thương gục khóc trên vai ta... vì người khác/Từng giọt nước mắt rơi trên hõm vai mà thấy ngực tim mình bỏng rát/Ta thương em nhiều/Và... ta xót cho ta”. Đến với thơ như một cuộc dạo chơi nhưng Giang Trung - một kiến trúc sư và chủ quán cà-phê lại luôn suy nghĩ việc phải làm thế nào để tác phẩm tới được tay người đọc. Vì vậy, anh chọn cách tiếp cận bạn đọc qua mạng xã hội, trang web cá nhân; đồng thời cố gắng giao lưu, trao đổi với bạn đọc càng nhiều càng tốt. Đôi khi chính những câu nói bâng quơ của bạn bè đã giúp Trung có thêm cảm xúc để gầy dựng nên một câu chuyện thơ. Theo ý kiến của một số tác giả tên tuổi như Thái Bá Lợi, Bùi Tự Lực, Nguyễn Kim Huy, sau thời gian dài trầm lắng, gần đây các tác giả văn học trẻ ở thành phố Đà Nẵng bắt đầu tìm hướng đi mới. Một số cây bút không còn đơn độc trên hành trình sáng tạo bởi đằng sau mỗi tác phẩm của họ đã có những “cánh tay” nâng đỡ, với niềm hy vọng sẽ tạo nên một thế hệ sáng tác rộn ràng, chất lượng hơn. Là người theo sát dòng chảy văn học trẻ thành phố nhiều năm qua, ông Nguyễn Nho Khiêm nhìn nhận, văn học trẻ Đà Nẵng đang đứng trước những thử thách và đòi hỏi lớn từ phía người đọc và sứ mệnh của văn chương. Nghệ thuật viết tiểu thuyết, truyện ngắn, ngôn ngữ thơ... luôn yêu cầu mỗi nhà văn, nhà thơ phải nỗ lực không ngừng. Theo ông Nguyễn Nho Khiêm, năng khiếu, tài năng văn học của các bạn trẻ hiện nay rất nhiều, nhưng quá ít người chọn “nghề văn”, đơn giản là không ai có thể sống được bằng nghề này. Thời gian tới, Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng sẵn sàng làm cầu nối giữa cây bút trẻ với các nhà xuất bản khi tìm thấy những tác phẩm hay, giá trị. Đồng thời, Tạp chí Non Nước sẽ là nơi giới thiệu tác phẩm đến đông đảo bạn đọc, tạo điều kiện để mỗi tác giả có thêm động lực và cảm hứng sáng tác. Cùng với đó, đầu năm 2018, Hội Nhà văn sẽ tập hợp một số tác phẩm có chất lượng để in tuyển tập mới. Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng nhắn nhủ, dù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay thiên về cảm xúc yêu thương thì mỗi tác giả trẻ cần phải luôn tìm tòi, định hình phong cách viết. Có như thế mới tạo nên một gam màu mới cho bức tranh văn học trẻ thành phố thời gian tới. Dù không quá kỳ vọng sẽ nhanh chóng tìm thấy đội ngũ kế cận có tác phẩm với chất lượng vượt trội, nhưng nhà thơ Nguyễn Kho Khiêm tin rằng, với tình yêu dành cho văn học vẫn luôn có thế hệ mới tiếp nối, từng bước khẳng định bản thân qua những tác phẩm.
Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng hiện có 116 hội viên, trong đó 37 nhà văn tuổi đời từ 75 đến hơn 80. Trong năm 2017, 4 tác phẩm được Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật và Hội Nhà văn thành phố trao thưởng gồm Chó hoang, tập truyện thiếu nhi của nhà văn Bùi Tự Lực; tập thơ Kéo co với mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Kim Huy; tập truyện ngắn và ký Trầm của nhà thơ Phạm Phát và tập truyện ngắn Những câu chuyện bên lề của nhà văn Trần Trung Sáng.

TIỂU YẾN
Nguồn: baodanang.vn

Xem tiếp…

Đêm nhạc giai điệu mùa xuân tại quê nhà Tiên Phước

7:38 PM |
Đêm ngày 03.02, tại quán cafe Nguyên Khang, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam diễn ra đêm nhạc gây quỹ từ thiện “giai điệu mùa xuân”. Chương trình được tổ chức nhằm mục đích kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện để chung tay góp sức, mang đến những yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ gia đình khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, còn thiếu may mắn trong cuộc sống.
Tiết mục trong chương trình (ảnh Phan Nam)
Đêm nhạc với những tiết mục “cây nhà lá vườn” của các giọng ca không chuyên, các bạn trẻ, học sinh hiện đang học tập và làm việc tại Tiên Phước. Chương trình do hội liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Tiên Phước phối hợp cùng CLB thiện nguyện ước mơ xanh tổ chức, toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được chuyển đến những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Một số hình ảnh được ghi tại đêm nhạc:




 Tin, ảnh: Phan Nam.

Xem tiếp…

Tết trong lòng... - tản văn của Phạm Thị Hải Dương

11:17 AM |
Ở quê lên phố, thành thử càng gần những ngày cuối năm lòng mình càng nôn nao mong đến ngày trở lại quê sum họp. Hình như đối với những kẻ tha hương như mình, Tết chỉ thật sự về khi chuyến xe bắt đầu chan ngập nắng quê tháng Chạp, khi thấy căn nhà cũ kỹ rướn mình hứng lấy hơi xuân, khi thấy bóng mẹ khom lưng bưng nia củ kiệu từ trong nhà ra hiên trước. Bảy năm lên phố, chưa lần mình nghĩ mùa xuân đang ở đâu khác nếu không phải quê mình, cho đến khi gặp chồng. Mùa xuân đầu tiên chúng mình về cùng nhà, chồng đưa mình đi xem hoa Tết. Năm ấy mới Hai mươi tháng Chạp, mới lưng lửng men xuân, hình như cả thành phố còn đang tất tả chạy nước rút cho những việc còn dang dở thì chồng đưa mình tận vườn hoa ngoại thành. Đêm thay áo vàng dưới đèn sợi đốt, nhà vườn lục tục đẩy những chậu thược dược, trạng nguyên, hải đường cuối cùng lên xe tải rồi phủi tay nhẹ nhàng nhìn những chuyến xe chìm khuất vào đêm. Khi chuyến hoa cuối cùng tan trong se se tháng Chạp, nhà vườn quét dọn khoảng sân mới đây còn ngập hoa Tết. Những chậu hoa bị bỏ lại được xếp vào một chỗ gọn gàng. Mặt đất mới còn in vân tròn là đáy các chậu hoa thoáng chốc được xóa hết, trả lại khuôn đất tinh tươm như chưa từng đội mấy trăm chậu kiểng. Năm đó, vợ chồng mình chưng Tết bằng ba chậu trạng nguyên èo uột bị bỏ lại nhà vườn. Thế mà cả hiên nhà trước đỏ rực như đốt pháo. Mùa xuân đầu tiên thành đôi, hai vợ chồng đã ăn Tết trong chật vật như vậy. Tết đến sát rạt nhà nhỏ chúng mình vẫn chưa có Tết khi bánh mứt chưa về. Đêm Hai mươi tám, hai đứa còn nằm ôm nhau nhẩm quà Tết cơ quan rồi khúc khích cười vì ngày mai được... phát bánh. Cuối cùng hai đứa cũng có được ít bánh trái và hạt dưa là hai phần cho nhân viên ăn Tết ở chỗ làm. Góp lại rồi nhin nhín bày lên đĩa, lo thon thót không biết có đủ đón khách cho đến lúc hạ nêu. Mùa xuân đầu tiên chúng mình dành dụm tiền mua nhà nên không về quê ăn Tết.  Năm ấy, lòng mình không có Tết khi mọi con đường đều vắng bóng người xe. Ai nấy đều đã vui đoàn viên ở góc nhỏ dưới quê nên thành phố như không có mùa xuân, chỉ còn yên lặng đến lạnh lẽo.
Tranh sưu tầm internet
Đường hoa với các tiểu cảnh được thiết kế công phu và chỉn chu cũng buồn rũ rượi vì người đến rồi đi vội vã. Suốt ba ngày Tết, chồng chở mình vòng quanh khắp các ngả đường hầu mong thời gian trôi nhanh đến ngày đi làm. Mình ngồi sau xe chồng, dáo dác tìm một cành mai thơm nắng vươn ra khỏi cánh cổng cao nhà nào ấy rồi nhắm mắt cố hít thật sâu tìm chút mùi nhang trầm nhưng quanh mình, không khí quá đỗi thanh sạch, không lẫn bất kỳ chút gia vị Tết. Bất giác hỏi chớ thành phố không có Tết sao anh. Chồng yên lặng như phố xá bấy giờ. Hai đứa cùng cắn răng... chịu Tết như phải chịu cái rét căm căm của mùa đông vừa mới qua. Năm rộng tháng dài thấm thoắt vút đi, mình có Mây con rồi cũng đi qua hết thời khốn khó. Năm nào hai vợ chồng cũng bế Mây về nội ngoại ăn Tết. Mùa xuân đầu tiên không có Tết đã thành kỷ niệm mãi nhớ trong đời. Cho đến vài năm sau, khi ăn Tết ở quê đã không còn là nỗi thèm khát với gia đình nhỏ của mình, mình mới thấy Tết thật ra về trong lòng mình đầu tiên chứ nào phải ở quê hay ở phố. Đó là khi mình dừng chờ đèn đỏ, có một chiếc xe máy chở phong lan đủ màu sắc chầm chậm lướt qua trước mặt, mình vén tay áo nhìn đồng hồ, nghĩ hay giờ tạt vào cửa hàng xem có mẫu ấm chén nào mới gửi về tặng ba. Vào chợ, bước qua hàng lư đèn thì nghe có người hỏi mua cát trắng, mình điện về nhà hỏi quê có nắng để ba hong bộ lư đồng không mẹ? Tết về khi mình đang lụi cụi cơm tối thì nghe Mây gọi lớn: “Mẹ ơi tivi quảng cáo Tết!”, nghe con hát theo những giai điệu rộn ràng của năm mới sắp sang. Tết sắp đến khi facebook các mẹ bắt đầu rao bán áo dài cho mẹ và bé du xuân hái lộc với đủ mẫu mã, kích cỡ khiến tim mình đập rộn rã. Tết về khi chồng nhắc mình: “Mây coi lựa áo cho hai mẹ con, anh thấy đường hoa làm xong rồi, cuối tuần nhà mình ra chụp ảnh”. Tết đến khi cơ quan túc tắc chuẩn bị cơm cúng tất niên, tiền thưởng Tết được cộng vào tài khoản mỗi người và gương mặt ai nấy giãn ra, bao nhiêu tị hiềm, kèn cựa như được gột sạch khi cùng nhau cụng ly tống cựu nghinh tân. Hôm qua, mình thay anh báo mẹ chồng sẽ về quê sau Tết vì chồng bận trực sự kiện mấy ngày liền. Cả mẹ và mình đều vui vẻ thông cảm cho nhau vì dù ở đâu trong lòng mỗi người cũng đều đã có Tết. Dù sớm hay muộn, hễ có Tết nghĩa là sẽ có niềm vui, đoàn viên và tề tựu.
PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG
Nguồn: vannghedanang.org.vn


Xem tiếp…