Cuộc gặp của người viết văn trẻ - Trần Trung Sáng

2:47 PM |
Hội nghị những người viết văn trẻ Đà Nẵng (mở rộng) 2017 do Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức vào ngày 25.11, với sự tham dự của hơn 30 cây bút trẻ  tiêu biểu đến từ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị, Thừa  thiên Huế... Đây là sự kiện văn học đầu tiên dành cho lớp người cầm bút trẻ tại miền Trung thu hút sự quan tâm công chúng. Trong số những cây bút trẻ tham dự hội nghị lần này, phần lớn đều có độ tuổi ở thế hệ 8x, 9x. Cũng có một số đại biểu ở độ tuổi lớn hơn, nhưng nói chung, họ là những cây bút xuất hiện trong thời gian gần đây, với phong cách trẻ trung, sung mãn, góp phần tạo nên diện mạo mới mẻ, sôi động của dòng văn học miền Trung vốn trầm lắng lâu nay.
Không phải đến bây giờ, khi Hội nghị những người viết văn trẻ khởi động thì những cây bút trẻ của Đà Nẵng mới đươc nhắc đến. Tuy nhiên, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của những cây bút trẻ miền Trung tính từ nhiều năm qua. Nội dung hội nghị tập trung xung quanh các vấn đề: Văn học trẻ đứng trước những thách thức và đòi hỏi lớn từ phía người đọc và sứ mệnh của văn chương. Nghệ thuật viết tiểu thuyết, nghệ thuật viết truyện ngắn, ngôn ngữ thơ… luôn đặt ra cho mỗi nhà văn, cho mỗi giai đoạn phát triển của văn học. Vậy trong giai đoạn hiện nay các tác giả trẻ phải đi tìm con đường nghệ thuật mới như thế nào cho văn chương?
Ngay trong những tác phẩm tham dự hội nghị của mình lần này, những người viết trẻ đã bày tỏ những nghĩ suy, trăn trở  của họ trên nhiều lĩnh vực.  Chẳng hạn viết về Tổ quốc : Tổ quốc là gì nhỉ/ Có phải từ trang sử tôi đã học/ Có phải từ cuốn sách tôi đã đọc/ Có phải từ vết thương hóa thành vần thơ (Tổ quốc - Phan Nam).
Về gia đình: con đã chạy theo giấc mơ phù phiếm/ để mẹ chờ đợi/ và  đau/khi chú chim non trở về mang theo những vết thương/ bản giao hưởng mùa hè có giọt mồ hôi và ánh nhìn bao dung của mẹ/ cho con tìm lại mình/ sau những tháng ngày trôi... (Bản giao hưởng mùa hè - Nguyễn Thị Minh Thùy).
Về tình yêu: Sống chỉ một lần nên ta cứ yêu thôi/ đừng thắc mắc đã cuối cùng chưa nhỉ/ cũng đừng hỏi khi nào ta ngơi nghỉ/ câu trả lời nằm ở cuộc yêu sau… (Câu trả lời nằm ở cuộc yêu sau -  Ngô Võ Giang Trung).
Về tuổi trẻ: Chúng mình bây giờ đã lớn/ Bao giờ cho tới ngày xưa/ Bao giờ cùng nhau ngồi lại/ Rưng rưng biết mấy cho vừa/ Thung lũng lúc nào cũng nắng/ Thung lũng lúc nào cũng mưa/ Dốc cũ hoa vàng ngày ấy/ Mà người năm trước về chưa? (Thung lũng - Trương Công Tưởng).

Về nghệ thuật: “Cái mới, khi ra đời thì luôn phải chịu những ánh nhìn thiếu thiện cảm, những cách đánh giá mang tính chủ quan... Nó phải trải qua nhiều thử thách và cần có thời gian để thể hiện, để khẳng định chính mình. Tiểu thuyết mới cũng vậy. Phê bình văn học thì luôn dựa vào những giá trị truyền thống để nhìn nhận, đánh giá và phán xét, chính vì thế khi mới ra đời, tiểu thuyết mới phải hứng chịu nhiều sóng gió từ phía dư luận”. (Đặc điểm tiểu thuyết mới - Nguyễn Thanh Tuấn).
Chia sẻ về quan niệm sáng tác của mỗi người, Hồ Diễm Kiều nói:  “Tôi viết văn theo kiểu nhẹ nhàng, đơn giản những gì xảy ra trong cuộc hằng ngày. Đơn giản như hoài niệm, lưu giữ từng khoảnh khắc ký ức. Với văn thơ đem đến cho mình tâm hồn đẹp và cảm thấy yêu cuộc sống này hơn”.
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội nhà văn Đà Nẵng, Tổng biên tập tạp chí Non Nước cho biết: “Hiện nay, một bộ phận bạn đọc đã chuyển dần từ việc đọc sách giấy sang sách điện tử. Trong tương lai tôi nghĩ rằng sách điện tử, phương tiện đọc thông qua internet sẽ chiếm ưu thế. Sự tương tác giữa nhà văn và bạn đọc là tức thời. Phương tiện đọc đã thay đổi, thì cách viết của nhà văn cũng phải thay đổi. Vậy các bạn trẻ phải viết như thế nào để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu bạn đọc hôm nay và lôi kéo được bạn đọc đến với văn chương. Trên tinh thần đó, nhân dịp hội nghị lần này, tạp chí Non Nước số mới nhất  (tháng 12.2017) sẽ trân trọng giới thiệu tác phẩm của 27 tác giả trẻ, gồm văn xuôi, thơ và nghiên cứu phê bình văn học. Do khuôn khổ có hạn, chúng tôi chưa thể giới thiệu đầy đủ các tác phẩm của các bạn trẻ về tham dự . Hy vọng đầu năm 2018, trong tập sách dành riêng cho tác giả văn học trẻ, chúng tôi sẽ giới thiệu đầy đủ hơn diện mạo của văn học trẻ của Đà Nẵng và miền Trung”.
Một số tác giả tiêu biểu đã có các tác phẩm thơ văn, nghiên cứu lý luận in riêng như: Nguyễn Đỗ Quốc Văn (Màu vẽ cuộc sống, tập truyện Nxb Hội nhà văn 2017);  Lê Hồng Mận (Có một chuyện tình trên những ngón tay êm (thơ  2015); Về ăn một bữa cơm nhà (thơ – tản văn 2017); Nguyễn thị Diệu Ái (Mưa từ cõi tạm, tập truyện Nxb Văn hóa văn nghệ 2016), Bởi cuộc đời không có giá như (tập truyện Nxb Văn hóa văn nghệ 2017); Đinh thị Trang (Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Nxb Thông tin và Truyền Thông 2014; Từ ngữ nghề biển ngư dân Đà Nẵng, Nxb Hội nhà văn 2016); Nguyễn Thanh Tuấn (Tiếng gọi lúc nửa đêm, tập truyện, Nxb Hội nhà văn 2015): Đoàn Minh Châu (M-Z,  2008; Có thể, 2012); Đông Phước Hồ (Tiếng vọng non ngàn, Nxb Thanh Niên 2010); Bách Mỵ (Đêm chảy dài trên tóc, Thơ Nxb Hội nhà văn 2017)...  Còn lại, các tác giả khác cũng đều là những cái tên quen thuộc trên nhiều mặt báo cả nước như: Phạm Thị Hải Dương, Sơn Trần, Phan Nam, Bùi Tiến Sỹ, Phạm Thị Mỹ Liên, Tâm Giao, Trần Khánh Minh Sơn, Ngô Võ Giang Trung, Nguyễn Hải Lý, Đỗ Tấn Đạt...

TRẦN TRUNG SÁNG
(Nguồn: Báo Quảng Nam)

Xem tiếp…

Dưới bóng cây - tản văn Bùi Tiểu Quyên

12:09 PM |
Trải tấm bạt trên bãi cỏ xanh mát, chúng tôi bày biện đồ ăn thức uống ngồi thưởng thức, nhẩn nha tận hưởng không khí trong lành của ngày cuối tuần. Trời xanh trong veo. Thấy thích vô cùng cảm giác này: ngồi dưới bóng cây. Có nghĩa là được ủ mình giữa thiên nhiên, hít thở không khí trong lành; được tạm thời bỏ lại những muộn phiền nào đó. Khoảnh khắc ấy, việc của mình chỉ là nhìn ngắm cảnh vật nhìn ngắm mọi người. Nhớ có lần tôi cũng được ngồi chơi dưới bóng cây giữa trưa nắng ở Phật Quang Sơn Tự (ngôi chùa nổi tiếng tại thành phố Cao Hùng, Đài Loan). Dù một mình ở chốn lạ, mà lòng cũng bình yên vô cùng. Cảm giác cũng chẳng khác khi ngồi dưới những bóng cây quê nhà. Thong thả, nhẹ tênh. Kỳ lạ, những cái cây ngàn năm không lên tiếng, mà cứ như là những sứ giả thầm lặng luôn biết cách trao tặng cảm giác thong dong nhẹ nhõm cho lòng người.
Có lẽ giá của bóng cây là thế, nên bao nhiêu người đô thị (gồm cả tôi) chấp nhận vượt quãng đường xa hàng chục cây số, đèo theo đồ ăn thức uống đi nắng đi bụi để được cùng nhau ngồi dưới bóng cây thưởng thức ngày cuối tuần. Những khu du lịch sinh thái gần thành phố vào các ngày nghỉ, lễ bao giờ cũng đông đặc người. Có lần tiện đường công tác ghé vào một khu vui chơi dã ngoại ở Bình Dương, tôi cũng đã choáng ngợp trước số lượng người “ngồi dưới bóng cây” chiều ấy. Họ đi thành từng nhóm bạn hoặc gia đình quây quần với nhau, trải bạt nấu nướng, ăn uống, nghỉ ngơi. Những cỏ bãi cỏ xanh được các khu du lịch đầu tư, tái tạo cũng vì mục đích này. Có một lượng lớn du khách thích được trở về với thiên nhiên mà nhiều khi cả một không gian rộng lớn cũng không đáp ứng hết.  Nằm gối đầu trên cỏ, bạn tôi bật cười nói rằng sao tự dưng nhà không chịu ở mà ai cũng thích cảnh nấu nướng thiếu thốn đủ bề rồi lại…“ngủ bờ ngủ bụi” thế này. Đó là khi đến giờ nghỉ trưa, ai nấy đều tìm cách ngả lưng trên nền đất lởm chởm, có khi khách phải nhường nhau chút bóng mát, giấc ngủ tất nhiên chẳng thể yên ấm ngon lành như ở nhà. Vậy mà ai cũng hớn hở nói cười. Tôi cũng vậy. Tôi hào hứng từ đêm trước, thức khuya chuẩn bị đồ ăn thức uống chu đáo, sớm tinh mơ lên đường vui như trẻ được quà. Ôm theo mấy túi đồ nặng đi xa, lại phải mất tiền mua vé vào cổng chỉ để…được bày ra ngồi chơi dưới bóng cây!
Nhà phố đâu thể có cây trong vườn, nên người phố mới phải vất vả đi tìm bóng cây ở các khu du lịch ven ô hoặc ở các tỉnh, thành lân cận. Ngồi dưới bóng cây giữa muôn người, tự dưng tôi nhớ những bóng cây của mình ở quê xưa. Hóa ra tôi và những đứa trẻ ngày ấy thật hạnh phúc mà đâu có biết. Ngày nào chúng tôi cũng có thể “ngồi dưới bóng cây”, lại chẳng phải tốn tiền vé hay chia sẻ không gian xanh mát ấy với nhiều người lạ. Yên tĩnh đến mức nằm võng mà nghe rõ cả tiếng cá quẫy trong ao, tiếng me chín rụng sau những lần gió rung. Hồi đó nhà tôi có đến năm cây me, tỏa bóng mát rười rượi. Tôi hay mắc võng nằm tòng teng học bài hay nghêu ngao hát. Có khi cả đám bày trò chơi lò cò, bắn bi, chơi đồ hàng…dưới những tán me xanh chở che ngày ấy. Những bóng cây tỏa mát tuổi thơ mà năm tháng xưa lòng những đứa trẻ quê cứ mãi mơ về thành phố. Đâu biết mình đang được tận hưởng khoảng thời gian quý báu của đời người. Còn bây giờ đi ngang ngôi nhà ngoại ô nào mà nghe tiếng trẻ đọc bài ra rả, tôi lại nhớ xốn nhớ xang mình của ngày xa lăng lắc. Những bóng cây quê nhà tỏa mát cho chúng tôi suốt thời thơ ấu. Cây phượng đầu đình nghiêng mình cho đám trẻ nhoi mỗi buổi đi học về ngang lại được dịp ngồi nghỉ chân tán dóc. Hàng khuynh diệp chiều về gió lùa lồng lộng đường quê. Cả những bóng cây đìu hiu giữa đồng cũng là nơi ngả tạm giấc trưa cho những người nông dân…Quê nhà mãi như một điểm tựa mát rượi để người phương xa mỗi khi nhớ về lại thấy như lòng mình cũng đang được vỗ về. Sống trong lòng phố với bao tiện ích mỗi ngày, nhưng đến một lúc nào đó, người ta vẫn thèm về với thiên nhiên để được dỗ dành trong cái màu xanh um thanh lành ấy…
Nhiều khi đi giữa thành phố nắng nung, tôi thèm qua những con đường có hàng cây tỏa bóng mát. Để thấy biết ơn màu xanh dịu dàng này. Đô thị ngày một chật hẹp, tấc đất tấc vàng, chỉ mong cây vẫn còn đất sống. Lòng người yêu thương, xin đừng đốn hạ…
BÙI TIỂU QUYÊN

Xem tiếp…

Giới thiệu tuần báo văn nghệ số 43 (ra ngày 28.10.2017)

1:34 PM |
Báo Văn nghệ số 43 ra ngày 28-10-2017 có các nội dung sau:
Đời sống văn học của cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận của văn học nước nhà. (diễn văn khai mạc Cuộc gặp mặt lần thứ nhất nhà văn với sứ mệnh Đại đoàn kết dân tộc do Nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà văn Việt nam đọc). Vòng đồng quy rộng lớn của tinh thần Đại đoàn kết. Hòa hợp, đoàn kết dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ sau năm 1975 (cuộc trao đổi cởi mở của phóng viên báo Văn nghệ với PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ).
Văn hóa và so sánh (trích tham luận “Ta xưa so với Tây xưa” của Thu Tứ)
Tính nguồn cội trong tác phẩm của những nhà văn người Mỹ gốc Việt (trích tham luận của Nguyễn Phan Quế Mai).
Những chiếc bánh nghĩa tình của Hiệu Constant.
Sẽ đầm ấm và rộng rãi hơn của phóng viên báo Văn nghệ.
Sáng tác:
- Truyện ngắn: Lửa hát của Triều La Mỹ. Đi tìm cha của Lê Quang Trạng. Cửa thông giữa hai nhà của Nguyễn Quý Thường.
- Thơ của các tác giả: Lã Ngọc Khuê, Vũ Văn Thoan, Trương Vạn Thành , Trịnh Ngọc Dự, Vũ Tuấn Anh, Lê Triển, Nguyễn Đức Mậu, Đoàn Xuân Hòa, Phan Văn Nam, Nguyễn Thế Kiên,Trương Phương Nghi, Nguyễn Công hảo, Phạm Huy Văn, Đỗ Thượng Thế.
Sự kiện và bình luận: Các nước lớn sẽ mang tới Đà Nẵng cam kết gì vào tháng 11 tới của Hàn Gia Bảo.
Chuyện văn chuyện đời: Lặng yên như mặt hồ đầy của Nguyễn Văn Thanh.
Nghệ Thuật: Hoạt động nghệ thuật cần hướng đến chính quy, chuyên nghiệp của Minh Tuyết.
Cùng sự tham gia của các tác giả: Phan Mai Hương, Phạm Tuấn Nhung, Vũ Đảm, Ngô Khôi. … trong các chuyên mục khác.
Các họa sỹ: Đào Quốc Huy, Đỗ Dũng, Phạm Hà Hải.


Xem tiếp…

Bài hát của thầy... - tản văn của Phan Nam.

10:35 AM |
Làn gió Đà thành mơn man da thịt những ngày đầu đông. Tôi bâng khuâng ngắm nhìn từng giọt cà phê rơi đều, bất chợt ca khúc “người thầy” vang lên khe khẽ. Giọng ca sĩ Cẩm Ly du dương giữa dòng đời vội vã khiến lòng người dịu lại, để sống chậm hơn và yêu thương nhiều hơn. Nhạc sỹ Nhất Huy đã nói thay tất cả chúng ta, những người học trò luôn hết mực yêu thương, kính trọng người thầy. Từng dòng chữ hiện trên bảng đen, từng hạt bụi phấn rơi, từng sợi tóc dần bạc theo thời gian, từng lời trách mắng, từng giọng nói tiếng cười... chập chờn ẩn hiện trong tâm trí, xao động tâm hồn. “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/ Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy/ Để em đến bên bờ ước mơ/ Rồi năm tháng sông dài gió mưa...”, thời gian ơi có kịp khắc ghi công ơn của thầy, khi con nước còn bận xuôi dòng thả trôi bao điều mơ ước?

Nỗi lòng chợt nặng trĩu theo cơn mưa mùa đông nơi xứ lạ, dấu chân bạc trắng nỗi niềm. Chợt nhớ đến bài hát của thầy vào ngày chia tay năm cuối cấp, thầy cứ hát, và lũ học trò nhỏ ôm nhau khóc nứt nở, từng giọt nước mắt nóng hổi lăn dài khóe mi. Ca từ của bài hát “ơn nghĩa sinh thành” ấm nồng trên bục giảng, cất lên tự tấm lòng vô bờ bến của thầy dành cho lũ học trò nhỏ. Nhớ đến thầy, nhớ đến bài hát năm nào mà nghẹn ngào xúc động. Ca từ bài hát như những hạt mầm thầy lặng lẽ gieo vào lòng em, với khát vọng tìm đến bến bờ của hạnh phúc, yêu thương và chia sẻ. Ngay cả khi đến lúc chia tay, thầy vẫn nghĩ đến học trò đừng quên “ơn nghĩa sinh thành” mà chạy theo bao điều phù phiếm ở đời mà quên đi nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn. Rồi đây, mỗi đứa sẽ tìm cho mình một tương lai riêng, một con đường riêng nhưng tình nghĩa thầy trò, công ơn mẹ cha, kỷ niệm bạn bè vẫn dạt nguyên vẹn trong trái tim. Giai điệu vỗ về tâm hồn, lắng đọng trong giọt phù sa của dòng sông Tiên quê mình, chân phác giản dị, thấm đượm nghĩa tình.

Mỗi lần ghé thăm trường, có chiếc lá từ đâu bay tới đậu trên vai gầy, nhắm mắt lại còn nghe văng vẳng bài hát ngày xưa cất lên tự sâu tâm khảm: “Người ơi, làm người ở trên đời/ Nhớ công người sinh dưỡng/ Đó mới là hiền nhân” (Ơn nghĩa sinh thành, Thiệu Tước). Ôm chầm lấy nhau mà ngỡ như mới hôm qua, giấc mơ vừa chớm thành hình đã vội tàn phai. Bài hát của thầy chảy tràn ký ức, thắp sáng trái tim, soi đường chỉ lối giữa trường đời muôn vạn nẻo. Ngắt nhành hoa phượng thắp lửa những rung động đầu đời, cái thuở “cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp”, “áo ai bay trắng cả giấc mơ”, “bài thơ còn hoài trong vở”... tinh khôi, trong trẻo biết bao. Dẫu hôm nay, khóe mắt đã vướng bụi trần nhưng câu hát khi xưa chưa bao giờ cạn vơi, bởi vì hình bóng của thầy vẫn còn in đậm tâm trí em, khắc sâu niềm thương nỗi nhớ.

Bài hát ấy sẽ tiếp tục cất lên, dìu dắt những thế hệ học trò tiếp theo cập bến tri thức. Đóa hoa đẹp nhứt nảy nở trong lòng em từ ngày ấy, ngày thấy cất lên tiếng hát...
Đà Nẵng, tháng 11.2017
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Chùm thơ của tác giả Trương Thị Bách Mỵ

12:29 PM |

Tác giả: Trương Thị Bách Mỵ, bút danh: Bách Mỵ
Sinh năm 1983, tại Đại Lộc, Quảng Nam. Hiện đang sống tại Đà Nẵng.
Thơ đã xuất bản: Đêm chảy dài trên tóc - NXB Hội nhà văn, 2017.
Tiếng thơ của người đàn bà không chỉ chứa chan tình yêu mà còn tràn ngập nỗi buồn trong bộn bề lo toan giữa cuộc đời này. Thơ Trương Thị Bách Mỵ đằm thắm, chứa chan niềm đau về phận người, về nỗi lòng trắc ẩn với tình yêu, về tuổi thơ một thời trong ngôi làng nhỏ thân yêu bên dòng sông Vu Gia xanh mát; là một trong những tiếng thơ tươi trẻ đầy triển vọng, vừa mới lại vừa lạ và quan trọng hơn hết đó là một người đàn bà làm thơ hồn nhiên đắm đuối với thơ ca như duyên phận sắp bày.
(Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu)

ĐÊM CHẢY DÀI TRÊN TÓC                    

Ngồi mơ trên những tia nắng vớt vát phía
chân trời
chưa đêm mà đã cạn ngày
lưng chừng tiếng thở
thôi hắt một cái cho đám phù du liệt cánh
hay ỉm vào mây
để mặc gió trăng cười...
một giọng hò cứa ngang vệt trăng soi
À ơi ngó bên tê Hàn phố xá nghênh ngang...(*)
mắc con mèo bấu gấu chân
đêm chảy dài trên tóc...
ngày tràn rồi chỗ nào đựng nữa đêm?
một tay vẽ khói lên mái nhà
một tay vò nhàu tiếng hát
đêm xanh màu lở dở
tàu hú nhổ neo
đêm bàng bạc
đêm nhìn...
lại nắng lên rồi
nắng cũ một bình minh...
(*) ca dao

GIỚI HẠN CỦA MÙA XUÂN

Những cơn gió gợi màu non tơ thổi ngoài những mùa xuân
Thổi ngoài một chiếc cốc đựng tràn tóc xanh
Đôi bàn tay bưng bầu mắt mỏi
Giới hạn của mùa xuân quẩn quanh cơn gió
Con đường chúng ta đi qua nắng mọc dài những sợi y hệt
mưa nhiều đêm
thay bằng ánh sáng
mềm của trăng

Mỗi lần em nhắm mắt lại nơi ấy lại trổ ra một bông hoa
Mùi hương buồn đến nỗi em nghĩ mình vừa lại nắm tay
nhau lần cuối
Nỗi buồn thường tình như mắt em

Những chiếc cốc thủy tinh đựng tràn tóc xanh
Bàn tay chạm vào say khướt đường gân xanh
Những bước dài như ánh mắt
Mùa xuân vẫy em bên kia cánh đồng!

Gió lại tạt vào hàng biểu ngữ đôi lông mày
Một cô bé, một cô gái, một mụ đàn bà. Một.
Đôi tay quờ vào ánh sáng, chiếc cốc, đường gân say khướt
Thi thoảng lối này, lối kia mùa đan nhau lẫn lộn,
những bông hoa bung ra toả ngát
Không có thời điểm thích hợp nào để nói với bàn tay
về giới hạn của mùa xuân
Và cơn gió thổi ngoài những chiếc cốc đựng tràn tóc xanh.
 
Tranh: họa sỹ Hoàng Đặng
1.9.8.3

Mùa đông nắng lên từ đôi bầu vú mẹ
Sữa trào ra ngoài cái rét, cả làng ăn sắn độn
1.9.8.3 sữa nhiều cũng làm chúng con khó chịu
Chúng con đã nhằn đầu vú ấy để lớn lên
Nhằn tất thảy lời ru đầy đặn
Gửi lại nóc nhà, gầm giường những chiếc răng tay mẹ rứt
Vào đời.

Tên em là 1.9.8.3
Mùa đông rắn rồng canh buồng ở cữ
Em hiền như nước mưa thấm vào mái rạ
Và thẳm sâu đôi mắt mẹ sau sinh
Như bao trẻ em nhằn vú mẹ
Sữa trào ra ngoài cơn đói của làng
Mẹ cầu xin cơn mưa chừa mái tóc
Chừa khoảng không con huơ hoác ánh nhìn
Chừa đôi gót chân son mừng nhẵn chiếu
Khi mẹ ầu ơ nắng lọt qua mành
Vậy là em cũng lớn lên
Những lọn tóc tơ mẹ cắt gửi dưới bóng râm vườn chuối
Nơi chôn nhau nơi giữ một nguyện cầu
Những tàu lá lành chìa ra mát rượi giấc mơ đầu đời

1.9.8.3 mùa xuân mùa hoa xoan
Mẹ đứng bồng con, những cành cây khẳng khiu nở đầy
hoa trắng
Đọc lá thư cha
Pleiku - xuân lạnh
Những chiếc áo trấn thủ thơm lừng bông vạn thọ
Gió từ phương em hương đáp xuống ngực ngày

1.9.8.3 là ngày hôm qua
Mẹ vừa hân hoan buổi đầu làm mẹ
Mẹ vừa biết khóc thay vì cười khi hạnh phúc
Vừa biết nhớ thương tiếng nước động mái chèo

1.9.8.3 ông bà nằm quay đầu về núi
Bông trang nở đầy giấc mơ con trẻ
Ngày đưa nôi qua bóng lá trăng mờ

1983 là ngày hôm nay
Con về đứng lại những Tuổi xuân của mẹ
Mẹ đã ước con mãi cười nhưng giờ đây con khóc
Xin mẹ hãy vui, âm sắc của con đường
Xin mẹ lắng nghe âm sắc một nụ cười
Một vạt áo chặm lên ngày khôn lớn
Xin cài lên ngực trái một bông hồng!
1983
TRƯƠNG THỊ BÁCH MỴ
Nguồn: Báo Đà Nẵng

Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí Non Nước số 239 (tháng 11.12017)

12:42 PM |

Trân trọng giới thiệu tạp chí Non Nước số 239 tháng 11.2017




Blog Phan Nam.


Xem tiếp…

Lời ru từ quê hương - chùm thơ của Phan Nam.

9:54 AM |
LỜI RU TỪ QUÊ HƯƠNG

Lời ru của mẹ trắng xóa bến đò
Ngọn đèn dầu ngả nghiêng theo làn gió
Tự bao giờ mưa trút xuống quê hương
Mẹ ẵm tôi chạy như bay trên con đường

Cơn lũ không thể cất giữ dấu chân mẹ
Khu rừng ngày đêm soi mắt đỏ
Những đóa hoa dập duềnh
Những con thuyền lênh đênh

Mưa vẫn trắng trời miền trung
Lũ vẫn dâng lên, dâng lên
Bàn tay vô hình siết chặt lồng ngực
Tiếng chuông chùa bặt âm tiềm thức

Cây cỏ cúi mình nhặt nhạnh phù sa
Khói lam chiều giăng giăng tiếng nấc
Cơn lũ lặng lẽ đi qua
Những con người sẵn sàng nhường cơm sẻ áo…

LẮNG NGHE MƯA RƠI

cây cỏ hát lời tự tình
dòng sông vươn vai ngậm giọt phù sa
đất trời chảy mãi
lòng người chảy mãi
không gian đặc quánh nỗi âu lo

cơn bão cuốn phăng tất cả
mái đầu thời gian
dần dần bạc trắng
con chữ run run góc phố
nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày (*)

lắng nghe mưa rơi
văng vẳng tiếng khóc chào đời
miền Trung mọc trắng nỗi niềm
nếp nhăn lặng im
cánh đồng hoa nở

chén cơm thơm tho mùi bùn
bữa đực bữa cái
bữa có bữa không
một đời áo giấy đốt cho sông (**)
một đời lắng nghe mưa rơi, rơi…

(*) lời bài hát Giáp Văn Thạch
(**) thơ Nguyễn Đức Dũng.

MƯA TRUNG DU

xối xả những hồi ức muộn mằng
con nước chợt lên chợt xuống
trái lòn bon trong vườn chưa rụng
đã nảy mầm cây xanh

cơn mưa ung dung bay khắp núi đồi
chẳng biết khi nào lồng ngực được ngơi nghỉ
đất mẹ tắm gội
những phiền muộn phù sa

cơn mưa đi qua, cơn mưa ở lại
chuyến đò ngược dòng ký ức
bên mái tranh nghèo
dáng bà nguyện cầu đứa cháu bình an cõng chữ qua sông

sông Tiên phập phồng
bao khuôn mặt xứ sở
những giọt mưa lau khô
Tiên Phước chưng cất nỗi nhớ...
Đà Nẵng, đầu tháng 11.2017
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Giới thiệu tập san Áo trắng số tháng 10 - thu vàng huỳnh hoa

10:03 AM |
Đón xem! Đón xem!
- Tập san ÁO TRẮNG số 9-2017 “Thu vàng huỳnh hoa” (Tháng 10/2017) sẽ “trình làng” vào Thứ Hai 16/10/2017.
- Thu về mang theo những cơn mưa lòng tí tách, những nỗi nhớ mênh mang xám cả bầu trời… Mùa thu dịu dàng đi qua từng khung trời ký ức, để đơm hoa kết trái vàng thơm từng yêu thương cất giữ… Hãy tìm đọc để cùng các cây bút Áo Trắng tìm về một mùa Thu rực vàng kỷ nệm…
- Chúc mừng các cây bút nhà ta: Nguyễn Thị Bích Phượng, Nguyễn Thanh Tuấn, Phan Nam… góp mặt trong số này. Xin tiếp tục gởi bài cho chủ đề các số tiếp theo của Áo Trắng: “Đêm thánh ca” (gởi trước ngày 5/11/2017), và đặc biệt là số “Xuân Mậu Tuất” (gởi trước ngày 5/12/2017).
@ Nội dung ÁO TRẮNG Số 9 – 2017 (Phát hành thứ hai 16.10.2017)
“THU VÀNG HUỲNH HOA”
+ VĂN:
Trương Chí Hùng, Trần Đức Nhân, Cúc Dại, Mạnh Hoài Nam, Ngọc Nhân, Phúc Thịnh, Nguyễn Thị Bích Phượng, Lê Đức Đồng, Phi Tân, Nguyễn Ngọc Tuyết, Ý Thu, Đoàn Thu Thảo, Huỳnh Duy Lộc, Mi Nguyễn.
+ THƠ: Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Ngọc Hưng, Ngô Thế Lâm, Đoàn Diễm Thuyên, Trần Nhã My, Hồ Hiếu Thảo, Trần Văn Thông, Kai Hoàng, Trần Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Thùy, Mộc.
+ THƠ 5 CHỮ DỰ THI:
Nguyễn Thị Hồng Miên, Phan Duy, Trần Văn Cường, Phan Thành Minh, Phát Dương, Tuấn Phạm, Nguyễn Hữu Khiêm, Hoàng Thu Uyên, Bùi Thảo Khuyên, Phụng Tú, Lưu Lãng Khách, Kim Minh, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Bá Hòa, Trần Bình Tuấn, Lê Thanh Hùng, Kít Lưu, Phan Nam, Bùi Huyền Tương, Phùng Hiếu.
+ CÁC MỤC KHÁC:
*Nguyệt ký: Lê Minh Quốc
*Thơ Thầy Cô: Vũ Lệ Ngân Hương
*Giới thiệu cây bút trẻ: Hoàng Khánh Duy
*Bài thơ yêu thích: Ngô Hà Phương
*Hương vị quê nhà: Bánh xèo măng (Thanh Ly)
*Du lịch: Đến Vương Phủ Tỉnh (Ngô Hoàng Anh)
*Giới thiệu Trưởng GĐAT Đồng Nai: Huỳnh Ngọc Tuyết Cương
*Sinh hoạt: Áo Trắng Cần Thơ (Phan Duy)
+ CHỦ ĐỀ CÁC SỐ TỚI:
- 15.11.2017: Trường tôi
- 15.12.2017: Đêm thánh ca
- 15.1.2018: Xuân Mậu Tuất (Giá bán 30.000đ/ cuốn như số thường và nhuận bút cũng như số thường)
+ THÔNG BÁO:
*Bạn đọc ở TP.HCM có thể mua tập san Áo Trắng tại Nhà sách NXB TRẺ, số 161B Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM. Giá 30.000đ/ cuốn. Các bạn ở xa có thể mua Áo Trắng qua Cty Sách điện tử Trẻ: www.ybook.vn
*Dưới bài viết gửi cho Áo Trắng, ngoài bút danh các bạn nhớ ghi rõ tên thật, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ ATM (nếu có), để chúng tôi dễ dàng gửi báo biếu và nhuận bút. Sau 1 tháng, bài được chọn đăng trên Áo Trắng, chúng tôi sẽ gửi bảo đảm báo biếu và nhuận bút.
*Bài gửi cho Áo Trắng nếu viết theo chủ đề, xin gửi trước 40 ngày về email: at_bien@yahoo.com Cám ơn các bạn.

Blog Phan Nam.

Xem tiếp…

Thương nhớ ngày xưa - tản văn của Trương Thị Bách Mỵ

10:54 AM |
Tranh: HS Hoàng Đặng
Từ khi ba mươi tuổi tôi chợt thấy những mùa nắng mà tôi đi qua đều rất khác nhau, nhưng những mùa mưa từ khi tôi lớp ba lớp bốn đến bây giờ vẫn buồn y như vậy. Mẹ chỉ có đủ một tấm (vải dầu) nilong đậy hụt đầu hụt đuôi một cái thúng đựng vài ô lúa cuối cùng vừa được ba tôi cào dưới đáy cái thùng phi để mẹ tôi đem lên chợ bán. Những mùa mưa anh em tôi ngồi chờ mẹ đi chợ về để ngó xem mẹ có bị trượt lấm chỗ con đường đất sét phía gò không? Chờ xem thử mẹ có bán được những ô lúa cuối cùng trong nhà và có mua được ít muối ít mắm về kho khô cho những buổi cơm nhiều sắn. Những buổi chiều nước lớn mẹ tất tả lội nước băng qua chỗ đám rau lang đang chỉ còn lá nổi trên mặt nước, mẹ cắt về một phần cho heo số còn lại đem lên nổng đất gò cuốc vội dâm xuống để nước rút còn có giống mà gầy cho bầy heo mới đẻ.
Mẹ quần quật với rau với cỏ nhưng tôi biết, chỉ khi ba mươi tuổi, tôi mới biết mẹ không buồn không khóc, vì đám rau bị ngập nước mà mẹ tủi thân, vì không có cách nào ngăn được mùi bánh xèo thơm lựng theo cơn gió tháng mười ập tới chỗ nhà tôi đang chạng vạng, mà nồi rau heo còn lạnh ngắt. Mẹ tôi lúc nhỏ được coi như là một tiểu thư, nhưng từ khi lấy ba tôi mẹ học hỏi và làm giỏi mọi việc của nhà nông, đánh tranh cũng đẹp, cắt lúa cấy lúa đều nhanh. Nhưng mẹ lại không có tay nuôi heo, mẹ nuôi heo nái heo thường đẻ vào đêm tháng mười. Cả nhà bưng đèn đón từng con heo nhỏ cắt rốn rồi rút rơm tuốt lá chuối làm chỗ nằm ấm cho chúng. Nhưng mùa mưa lạnh cứ kéo dài rau hiếm, cám hết, củi đun cũng cạn, phần ăn uống thất bát phần lạnh nên bầy heo con cứ èo uột và lại bỏ những ước mơ áo mới của tụi tôi mà ra đi. Tôi thấy mình già theo tiếng mưa tháng mười và mẹ thì khô héo theo những cơn gió, những đám mây nặng nước.
Ký ức tuổi thơ buồn hay vui với mình mảng nào cũng đẹp, đại loại khi ta nghèo khổ thiếu thốn ăn thứ gì cũng thấy ngon. Ví như chuyện hồi nhỏ tôi hay nghe mẹ hát cải lương, ngâm thơ mỗi tối, thuộc từng chỗ nhấn nhá của mẹ trong mấy bài tân cổ Cô gái tưới đậu, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà... Nằm ngủ mà cảm giác như nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy đang ru mình vậy. Tất nhiên khi hát hò hay ngâm thơ thì lúc ấy không khí phải rất đầm ấm yên vui nên bài thơ nào má tui ngâm nga tui cũng thấy hay nhứt trên đời. Đặc biệt nhớ Đi đi em, em ơi Ba Lan mùa tuyết tan của Tố Hữu và Quê hương của Giang Nam. Hôm vừa rồi có nghe một nghệ sĩ ngâm bài thơ Quê hương mà trong suốt buổi ấy mình ngồi nhớ mẹ. Mẹ được trời phú một giọng trong ấm, được bà cố rèn giũa tới bờ tới góc bởi những kỹ thuật hát bội có nghề của bà ngoại, nên ngâm bài thơ nào mẹ ngắt nhịp phân câu bỏ chữ cũng đúng, cũng ngọt ngào và tình cảm Giữa cuộc hành quân không nói được một lời/ Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại/ Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
Mẹ đã cho mình cảm giác chia cắt mãi mãi và đầy nuối tiếc trong đoạn thơ này chứ không phải là đoạn cuối. Khi đã bước đi trong cuộc đời này một khoảng khá xa, có đủ bốn mùa yêu thương trong trẻo nhất thử hỏi cuộc đời còn có điều gì không gợi nhớ không làm mình khóc?


TRƯƠNG THỊ BÁCH MỴ
Nguồn: Báo Đà Nẵng

Xem tiếp…

Đâu rồi thời đĩa hát - tản văn của Phạm Thị Hải Dương

6:30 PM |
Ô tô không ngừng lao trên đường. Ngọt như lời mẹ ru. Tua lại chuyến đi. Nhiều nhất là bia và cười. Thêm vài số thứ tự nữa vào danh sách các mối quan hệ cần giữ gìn. Việc, tưởng là chính yếu lại chiếm phần ít thời gian và tâm tư. Chừng ba ngày, nhẩm lại vỏn vẹn mấy dòng. Rồi, nó trôi đi mất không hãm lại kịp. Trông như chiếc lá dại dột, chọn ngay chỗ xoáy nước mà trao thân. Đã có bao nhiêu chiếc lá rơi xuống ngay hố đen ngồn ngộn ấy. Chịu. Đếm sao được khi bên tai, Quang Dũng đang dỗ dành người yêu: “Anh và em sẽ sống. Trong một mái nhà tranh. Lấy trúc thưa làm cổng. Lấy tơ liễu làm mành.” Tại ca sỹ biết truyền cảm hay hệ thống giải trí êm ái trên ô tô mà bản nhạc như dòng suối nhỏ, khe khẽ trôi vào lòng. Người ngồi ô tô không còn ám ảnh cảm giác tròng trành như đang trên dòng sông nhỏ, bằng chiếc ba lá đêm trăng dữ, như mọi lần. 
Ngả người ra sau vì biết chừng, đầu óc lại bắt đầu hoài niệm. Ai đó đã nói, hoài niệm là thuộc tính của con người. Đã thuộc về bản thể thì cứ để nó ở lại, nếu nó không muốn rời đi. Nhất là những nhung nhớ thuần khiết hơn mấy loại nước lọc quảng cáo trên ti vi. Hoài niệm đêm nay có tên nhớ thời xài…đĩa lậu. Hồi xa lắc, không biết trên đời có một loại bản chính, hẳn sẽ có thêm vài kiểu bản sao. Nhớ mong manh, bé như cây chuối đẹt, đã chạy theo mẹ ra chợ. Hay đứng lọt thỏm trong mái hiên tiệm thuốc thú y, nhìn ra mấy bà cô bán đĩa hát ngồi trơ mình dưới nắng. Chợ có khi đông khi vãn nhưng mấy chỗ bán đĩa nhạc thì lúc nào cũng có người ghé xem. Một tấm bạt nhỏ trải ra đất, xếp vừa khít một loạt đĩa hát vuông vuông. Vì đĩa được bọc trong ni lon, gặp nắng sà xuống nên khi nào chỗ các cô ngồi cũng lóng lánh như có hào quang. Khiến con trẻ dường bị mê hoặc và thèm một lần sắm vai…cô bán đĩa. Muốn chạy ra khỏi hiên, ghé chỗ cô, nói cô ơi cho con ngồi chỗ cô một lát. Bốn bên là đĩa hát đủ màu sắc, ai ghé mua, để con cầm cái đĩa, ra giá, bỏ vào túi nilon như cô làm, cô nhé! Sau này lớn lên, được dịp nghĩ lại giấc mơ xưa, con lại thấy rùng mình. 
Nếu theo nghề của mấy cô chắc bây giờ con sẽ hụt hẫng lắm. Sẽ giống mấy ông đồ già, lâu lâu nhớ nghề, bày mực tàu giấy đỏ ngay trong nhà mình, rồi kêu thằng cháu nội chơi trò buôn bán. Khi mà mẹ rút sợi dây điện đầu đĩa CD, thay vào dây nguồn vi tính. Mẹ cất hết Phi Nhung, Trường Vũ, Đan Trường, Cẩm Ly…Cả những chiếc đĩa hoạt hình như Tom and Jerry. Một thời con tua đi tua lại, đến mức đến đoạn con mèo vào đưa chân trước định tóm con chuột thì cả hai con đứng… cứng ngắt. Chắc con sẽ như đứa trẻ nhà nghèo mất con búp bê baby mới được tặng. Mới đó mà trở dậy, lớn khi nào không hay. Nghe nhạc cũng sành điệu hơn, theo khái niệm của người thành phố. Thỉnh thoảng, chạy ra 38 Trần Bình Trọng, bổ sung vài bài lạ lạ trước mỗi chuyến đi dài. Nghĩ lại, thì ra hồi nhỏ cả nhà mình, xóm mình thậm chí xã mình toàn nghe đĩa lậu. Đĩa sao ra trăm ngàn cái. Bìa giấy, bên phải bán thân ca sỹ, bên trái danh sách bài hát được đánh số một hai ba. Có cái đĩa hát ruột của mẹ từ lúc mới lấy ba, hồi nó “nghỉ hưu non”, mẹ tiếc ngậm ngùi. Mẹ nói Trường Vũ hát bài Tí ngọ của tôi nghe day dứt quá! Sau này con có lùng hết mấy tiệm đĩa nhạc, thử nghe nhưng vẫn không tìm được “…người con gái trên lầu cao sau hàng chậu hoa mười giờ” của mẹ.
Mấy lần về thăm nhà, con hay kéo hộc tủ, nhìn chồng đĩa lặng lẽ thu mình dưới ánh điện. Hồi nhỏ, con hay chờ… đĩa hư để xin mẹ gắn sau xe đạp, hoặc xỏ vào sợi cước, xoay xoay chơi cả buổi ngoài đồng. Giờ đĩa dư nằm thành đống, sao con không thử chơi lại mấy trò đó xem sao. Lúc bước lên ô tô, đổi mấy bài không tên của Vũ Thành An bằng CD bolero của Lam Phương. Nhìn chiếc đĩa nhẹ nhàng trôi vào máy, cũng đường kính chừng đấy, lóng lánh bảy màu cầu vồng nhưng thứ con dùng có khi đắt gấp trăm lần mấy chiếc đĩa trong hộc tủ nhà mẹ. Mà sao con không bị mê hoặc. Đĩa xịn. Đương nhiên chất lượng âm thanh rất khá. Những chuyến đi dài, âm nhạc trên xe khởi động theo động cơ. Khi đó con là cô gái. Âm nhạc như đôi khuyên tai. Cô gái thường đeo khuyên tai khi đi tiệc nhưng trong bữa tiệc, cô không bao giờ thấy nó. Thấy thương cho bản nhạc mình mang về, như một nữ nhà văn từng thương thành phố khi tâm trí thường trực về quê mẹ, nơi gặp gỡ rất ít mà nhung nhớ đầy tràn. Con cũng vậy. 
Thương mấy đêm sâu hoắm, nhà hàng xóm còn vọng qua: “Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng. Hương nồng hoa tình ái, đậm đà đây đó gọi tên…” Thế mà sao không có cảm giác khó chịu, phiền lòng. Hình như qua một khoảng rào, một cánh cửa khép hờ, một vòm lá… âm nhạc trở về đúng một phần thiên chức của nó, làm con người trở nên dịu dàng và bao dung hơn. Giấc ngủ đến theo lời thỏ thẻ của ca sỹ khi nào không rõ.
PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG
Nguồn: vannghedanang.org.vn

Xem tiếp…