Kai Hoàng tái hiện chân dung tuổi trẻ - bài viết Phan Nam.

10:00 AM |

Trong đời sống thi ca sôi động như hiện nay, bức tranh thơ trẻ ngày càng được định hình rõ nét. Các tác giả trẻ thường chọn một lối đi riêng để tự khẳng định mình. Cầm trong tay tập thơ “gặp tôi ngày mê sảng” (NXB Hội Nhà Văn 2016) của tác giả trẻ Kai Hoàng, hội viên hội VHNT Bà Rịa Vũng Tàu, tôi càng cảm nhận rõ hơn điều đó. Tập thơ đầu tay với 42 bài thơ, tác giả đã phác họa những dự cảm đầy hứng khởi nhưng cũng không kém phần trăn trở với những cách tiếp cận thi ca hoàn toàn mới. Những cảm xúc và hình ảnh có phần dài trải nhưng cũng đầy bất ngờ đưa người đọc khám phá rất nhiều cung bậc cảm xúc: nỗi cô đơn thơm như hoa lài nở muộn, ký ức khỏa thân, cơn đau là một bí mật, giấc mơ đã quen với màu im lặng... Kai Hoàng rất nghiêm túc với chữ nghĩa và anh đã sớm tạo dựng phong cách với những thi phẩm ẩn chứa nhiều điều thú vị. Đến với thể thơ lục bát truyền thống, tác giả viết:

Chạy qua giấc ngủ li ti
nỗi buồn cũng biết invisible
thử làm chiếc lá rụng khô
để xem the past cởi đồ khỏa thân
                    (Hỏi)

Những dòng thơ mới mẻ trong những biến thể đầy tính thử nghiệm, tác giả mang đến thể thơ lục bát một không khí hoàn toàn khác, làm cho người đọc không nén nổi tò mò. Thơ Kai Hoàng là thơ trẻ và dĩ nhiên độc giả anh hướng đến cũng là những người trẻ. Ở đó có những bài thơ ngập tràn xúc cảm với tình yêu, với gia đình, với nét đẹp quê hương, với những xúc cảm bất chợt tươi tắn. Tập thơ chỉ có một số ít bài lục bát “dễ đọc” như: một hôm, lạc, nằm mơ, đưa, và mưa rụng giữa đêm gầy giấc mơ tôi... còn lại hầu hết là những bài thơ “khó đọc” với ngôn từ, hình ảnh không dễ hiểu. Đó cũng là điều đặc biệt tạo nên sức cuốn hút, mong muốn khám phá tập thơ của người đọc. Có thể nói thơ Kai Hoàng là một đại diện cho những người làm thơ mới hôm nay, với “ngổn ngang giữa cánh đồng khát” (lời nhà thơ Trần Nguyên Phúc), ngổn ngang thế sự với rất nhiều những va chạm, bất trắc trong con đường dài phía trước nhưng tình yêu đối với thi ca trong họ chưa bao giờ vơi cạn... Hãy nghe Kai Hoàng phác họa “từng giọt đêm muộn ngủ”: Đêm mắc cạn bên thềm mười sáu/ rơi tuần tự những giọt đàn bà (Tiếng đêm đàn bà). Những thanh âm tuổi trẻ dường như rất lạ bởi nỗi niềm chất ngất men say, trong những lần gặp gỡ để rồi chia tay, hay cõi lòng thi sĩ đồng cảm với thân phận nơi cõi mù tăm? Tiếng đêm chợt đến chợt đi nhưng lại xoáy sâu trong lòng người đọc bao hình dung trong từng con chữ. Thơ thiên về văn nhưng thơ vẫn có nhịp điệu riêng của thơ, thơ vẫn chảy qua bao nhiêu thác ghềnh như là một minh chứng cho một thế giới khác, nơi con người được thỏa sức vùng vẫy trong khu vườn ngôn từ. Với những thể nghiệm hoàn toàn mới, Kai Hoàng đã phác họa chân dung của riêng mình:

tôi thấy tôi trong một ngày mê sảng
đập cánh bay trên thung lũng mặt người
ngày bỏng rát gọi tôi đang cháy nắng
trên thềm mùa từng ngôn ngữ chợt rơi
              (Gặp tôi ngày mê sảng)


Kai Hoàng thể hiện sự chiêm nghiệm mới mẻ trong việc đào sâu vào lớp vỏ chữ nghĩa, để những bài thơ của anh mang một sức sống khác trên “thung lũng mặt người”. Với một người viết trẻ, những suy tư về sự hiện diện của thi ca trong dòng chảy đời sống luôn luôn mãnh liệt hơn bao giờ hết. Và Kai Hoàng cũng không tránh khỏi những dự định, những ước mơ dang dở trong hành trình chinh phục chữ nghĩa:

Gửi cho phố cạn ngôn từ
ký tự tôi màu trần trụi
đi qua những rùng rền xám
em là câu khấn linh thiêng
 
(Những ngày ngôn ngữ cạn)

Những khát khao tuổi trẻ tưởng rất gần mà lại rất xa, tưởng trần trụi mà lại rất “linh thiêng”. Trong dòng cảm xúc rất riêng của cuộc sống, vừa chợt đến chợt đi nhưng luôn luôn đem đến trái tim mỗi người những giây phút đắm say thật khó lý giải. Và tác giả viết:

anh ngồi vá lại ánh sáng
soi vào nhau những tia nhìn
gương mặt thời gian hoang dại
không chứa hết những đổi thay giản đơn
           
(Chuyện của mặt trời )

Kai Hoàng miệt mài với văn chương bằng viết làm thơ, viết truyện ngắn, tản văn... anh cũng là tác giả quen thuộc trên các trang mạng xã hội văn học, góp mặt trong nhiều tuyển tập của các tác giả trẻ. Anh viết bằng tất cả đam mê, nhiệt huyết, tưởng như “mê sảng” nhưng lại gần gụi, lung linh sắc màu. Với sự dấn thân ngọt ngào trong cánh rừng thi ca, thơ anh đã xuất hiện nhiều nơi trên các ấn phẩm báo chí văn học nghệ thuật. Là một hội viên trẻ của hội VHNT cấp tỉnh, con đường văn chương của anh còn dài nhưng tôi tin với bản lĩnh của một cây viết trẻ, Kai Hoàng sẽ gặt hái được nhiều thành công.
                                                                                                                        PHAN NAM


Một số bài thơ của Kai Hoàng in trong tập “Gặp tôi ngày mê sảng”:

NHỮNG NGÀY NGÔN NGỮ CẠN  

Gửi cho phố cạn ngôn từ
kí tự tôi màu trần trụi
đi qua những rùng rền xám
em là câu khấn linh thiêng  
đám mưa mang mùi hốc hác
rơi vào thấu thị cơn mê
thị trấn lạc mùa chênh sáng
một bầy đom đóm không về  
dắt tay em mềm như cỏ
hai đứa hát khúc du ngao
an yên pha màu nguyên thủy
chạm trong ngõ phố chực trào
Gọi tôi ly thời gian tím
nốc cạn ký ức tinh khôi
những ngày chòng chành mơ sảng
em là nỗi nhớ không mời
                                          29.11.2014   

TIẾNG ĐÊM ĐÀN BÀ

Đêm mắc cạn bên thềm mười sáu
rơi tuần tự những giọt đàn bà
ụ đất manh nha nhặt lấy cái bóng mềm nhũn của mình mắc kẹt nơi vũng trăng
một giọt mưa khỏa thân trên bầu ngực gió

em lân la nhễu cơn lãnh đạm lên từng cúc phố
đám mây láu táu giấu mình
khát thèm giấc ngủ đồng trinh
giọng nói em vuốt ve từng gương mặt ẩn dụ
và trôi đi trong tênh hênh những ký tự dậy thì

em trói tuổi căng tròn qua từng ô cửa lập phương
cả phía trên phía dưới
cả nhỏ nhoi như một kẽ hở
bóng tối không giấu được nỗi ám ảnh từ một chiếc hôn bạc nhược
đêm xé rách nỗi buồn em bằng một câu hát luân hồi

cũng đêm
những cơn mê lồng lên cất tiếng hú
câu khấn nôm mộng mị chết héo sau những vá chằng vá đụp
từng giọt đêm muộn ngủ
nấp vào tóc em cất tiếng khóc đàn bà

CHÂN DUNG

Nơi cánh buồm đã trôi vùng áp thấp
tôi thấy trong mắt gió
diện mạo của cơn bão kiệt tàn
cơn bão có chân dung của nỗi buồn
thổi vào đêm một cơn nghiêng biển động

mảnh trăng luỡi liềm trong giấc mơ
như một vết cắt
chia nửa cơn mơ thành hai phần ảo - thực
trăng đã không tròn đầy và giấc mơ hẵng còn lênh đênh

em không chọn nỗi nhớ chạy dài bờ cát
để những ngọn sóng chực chờ liếm tháng năm
ướt bờ quên lãng

giữa đôi ta tồn tại một con đường
mòn im ngực lá
hình dung em nấp trong cơn gió ngửa mặt
ngược chiều mùa thu

những cánh buồm đã trôi xa vùng áp thấp
những ngọn sóng đã vỗ mòn miền biển rộng
những con đường nằm đau ngực lá
nơi hai nửa cơn mơ ảo - thực
chân dung nào là tôi?

KAI HOÀNG

Xem tiếp…

SÁCH CŨ - tản văn Phan Nam.

8:40 PM |
SÁCH CŨ
Tôi không nhớ mình đi qua đi lại khúc đường này bao nhiêu lần. Tôi không biết có bao nhiêu thế hệ người trẻ đã từng vẫy gọi và chào tạm biệt mái trường tọa lạc trên con đường nơi tôi đã từng sinh sống và học tập. Mái trường sư phạm ngày ngày tháng tháng soi bóng qua những mùa sen bung nở. Phía trước cổng trường là những quầy sách cũ phơi nắng phơi mưa phục vụ khách hàng. Những khách hàng đặc biệt. Một công việc kinh doanh đặc biệt và cung cách giao dịch cũng không thể đong đếm bằng bạc tiền. Trong bối cảnh văn hóa đọc ngày càng đi xuống, giới trẻ chuyên tâm “đếm like” thay vì “đếm chữ”, cửa hàng sách cũ dần dần đóng cửa, trầm mình vào giấc ngủ lặng lẽ. Những cuốn sách bạc màu, lem luốc được phủ lớp bụi dày đặc. Khi sờ vào tôi có cảm giác rợn người, tựa như khi ta chà xát hạt lúa trên sàn nhà và toàn thân bắt đầu rung lên...
Ngày xưa, hình như chỉ cách đây vài ba năm đây là nơi rất sôi động, thu hút rất nhiều “mọt sách” tìm đến mong sở hữu tài sản vô giá của các tác giả dày công sáng tạo nên. Bây chừ loanh quanh chỉ còn hiệu sách Bích Nga, Tầm Văn, Nhân Trí... hoạt động một cách cầm chừng. Có lẽ luôn luôn là vậy, đối với sách ta phải nhẹ nhàng không thể dùng bạo lực để cưỡng đoạt và chiếm hữu. Mỗi cuốn sách như một linh hồn: hồn mưa, hồn nắng, hồn sương, hồn gió và hồn thời gian. Thời gian làm cho con người ta quay cuồng với biết bao thú vui và rất ít khi tìm đến sách, nhất là người đọc sách cũ còn được liệt vào hàng “quái nhơn” như nhà văn nào đó từng chia sẻ. Trong dòng chảy phố xá, người ta lướt qua nhau bằng cặp kính đen, chiếc khẩu trang trùm kín mặt mũi. Lúc đó chỉ có sách là khiến cho những tâm hồn cách xa trở nên đồng điệu, tuôn trào xúc cảm tự nhiên và chân thành. Tôi thường ghé cửa hàng tìm mua báo cũ, những tờ báo phát hành đã rất lâu nhưng giá trị không hề thay đổi. Đa phần là Áo Trắng, Văn học và tuổi trẻ, Mực tím, Hoa học trò... khép nép lọt thỏm vào góc khuất nhất của cửa hàng.
Chủ yếu là tôi muốn tìm lại chút hương vị ngày xưa đã từng gắn bó với nhiều người, khi mà lúc đó tôi là đứa trẻ nông thôn có biết chi đến sách báo, mô lâu lắc mới nhận được tờ Thiếu niên tiền phong, Thiếu nhi dân tộc và cũng chỉ chăm chăm vào chuyên mục “học trò cười”, “ga la cười” hoặc truyện tranh với hình minh họa dí dỏm. Và tất nhiên hồi đó tôi chưa bao giờ biết đến internet, google, yahoo... Bởi rứa nên chưa biết thế nào là cộng tác hoặc viết báo, con nhà nông luôn thiệt thòi hơn các bạn thành phố. Dần già tôi thấy trân trọng giá trị của sách cũng bởi câu nói của một người bạn, mà tôi tình cờ gặp trong một hội sách cũ, mặc dầu quen biết đã lâu. Tôi nhớ, mình cứ cầm lên bỏ xuống chẳng chịu mua cuốn nào. Bạn chỉ cần lướt qua lướt lại đã chọn mua được mấy cuốn, bạn nói một câu mà tôi nhớ mãi: mua sách về để dành đọc, mình có cả đời để đọc mà. Câu nói khiến tôi thức tỉnh và cũng tác động đến tôi chút ít, vì thế tôi quyết định mua ba cuốn: “Đêm thánh vô cùng” (Sương Nguyệt Minh), “Kún” (Nguyễn Đình Tú), “San hô đỏ (Di Li), thú thực là đến bây chừ tôi vẫn chưa đọc xong ba cuốn này, mặc dầu tôi quan tâm theo dõi đến sách và mua sách nhiều hơn.
Đi qua những mùa cũ, tôi thầm nghĩ, không răng. Mình có cả đời để đọc sách mà...
Đà Nẵng, 11.04.2017
PHAN NAM


Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí Non Nước số 232 (tháng 04.2017)

2:16 PM |
          
Trân trọng giới thiệu tạp chí Non Nước số 232 
(tháng 04.2017)





Xem tiếp…

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ ĐẤT QUẢNG SỐ 156 (THÁNG 4/2017)

12:59 PM |
Tạp chí Đất Quảng số 156 (tháng 4/2017) phát hành ngày 10/4/2017 với các nội dung sau:

* Phần VĂN XUÔI với các tác phẩm: “Ký ức...” (truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang); “Con trai ông Tân” (ký của Hồ Duy Lệ); “Một thoáng Trường Sơn Đông” (ghi chép của Hà Văn); “Chiếc áo second-hand” (truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa); “Thanh xuân giữ lại” (truyện ngắn của Nguyễn Thị Diệu).

* Phần THƠ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Tường Thuật (Tháng Tư về Sài Gòn); Phan Nam (Dưới bóng cờ); Lê Anh Phong (Tổ quốc ở Trường Sa); Nguyễn Thánh Ngã (Làng ơi!); Nông Quy Quy (Chiều vẫn xanh mùa); Bh’riu Quân (Bài ca trên núi); Nguyễn Tấn Sĩ (Tam Kỳ thị xã ngày xưa); Huỳnh Trương Phát (Tiếng đàn); Phú Thiện (Ước...); Đỗ Tấn Thảo (Cây duối); Bích Nga (Nghe hết lặng im); Nguyễn Hải Triều (Sẽ như gió thổi..., Bằng lăng); Lê Phước Trịnh (Rượu núi, Tà vạc); Nguyễn Chiến (Ngôi nhà xây từ nóc, Boléro tình yêu); Nguyễn Ngọc Hưng (Tìm, Biết em đã khác...); Alăng Văn Gáo (Trên đỉnh Quế mây ngàn, Giấc mơ).

* Chuyên trang NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH giới thiệu các bài viết sau: “Hình tượng Tổ quốc trong thơ” của Nguyễn Ngọc Phú; “Những thanh âm rơi đầy ngõ nắng” của Nguyễn Nhã Tiên; “Đọc lại một bài ca dao trữ tình dưới góc nhìn tự sự” của Lê Đức Thịnh.
* Chuyên mục TRÀ DƯ TỬU HẬU với bài viết “Bạn của người xưa” của Nguyễn Tấn Ái.
* Chuyên mục VĂN HỌC - HỌC VĂN với bài viết “Chuyện thi cử” của Huỳnh Thị Hiền Trinh.
Bìa 1 số này là bức ảnh “Sắc hoa vàng” của Lê Trọng Khang. Phần phụ bản giới thiệu một số hình ảnh về các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997-2017) với sự góp mặt của: Nguyễn Thanh Dũng, Võ Văn Phi Long, Hải Hoàng, Phương Thảo, Nguyễn Đoan, Văn Sự, Tường Quân. Tham gia minh họa số này: Võ Như Diệu, Nguyễn Dũng, Trần Đức, Đoàn Minh Thuần.
Blog Phan Nam giới thiệu.


Xem tiếp…