Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng kỷ niệm 40 năm thành lập

6:37 PM |
Ngày 29.12.2017, nhằm ôn lại chặng đường hình thành, xây dựng và phát triển, đồng thời tôn vinh thành tích dạy học của thầy và trò, giúp giảng viên và sinh viên có thêm niềm tin, phấn khởi, tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy truyền thống, trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (31.12.1977-31.12.2017).
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trao lẵng hoa, bức trướng và bằng khen cho tập thể nhà trường (ảnh Phan Nam)

Trường CĐ văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng tiền thân là trường nghiệp vụ văn hóa thông tin QN-ĐN được thành lập 1977, trực thuộc Ty văn hóa thông tin tỉnh QN-ĐN, đến năm 1982 hợp nhất với phân hiệu lý luận nghiệp vụ khu vực trung trung bộ thuộc bộ văn hóa (đóng tại Đà Nẵng) thành lập Trường trung học văn hóa - nghệ thuật tỉnh QN - ĐN. Sau khi chia tách tỉnh 1997, UBND thành phố quyết định thành lập lại với tên gọi trường trung học văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng. Và đến năm 2016, bộ GD&ĐT quyết định thành lập Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng trực thuộc UBND thành phố Đà Nẵng. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, trường ngày càng lớn mạnh, trở thành cơ sở đào tạo uy tín về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của miền Trung và Tây Nguyên. Từ mái trường này nhiều thế hệ giáo viên, HS-SV đã trưởng thành, đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước. 
Luật sư Nguyễn Mạnh Quý, phó chủ tịch trung ương hội kỷ lục gia, TS Nguyễn Ngọc Phi, đại diện tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận cho nhóm tác giả tác phẩm nghệ thuật "NHIỄU" (ảnh: Phan Nam)

Thầy Nguyễn Bá Sĩ, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong 40 năm qua, trường đã tổ chức bồi dưỡng đào tạo, liên kết với các trường đại học, học viện trên cả nước đào tạo được hơn 7000 cán bộ văn hóa, thông tin, nghệ thuật, du lịch, giáo viên giảng dạy âm nhạc, mỹ thuật, góp phần đáp ứng nhu cầu về đội ngũ cán bộ, phục vụ công tác quản lý, phát triển văn hóa du lịch ở các địa phương trên địa bàn thành phố và khu vực. Ngoài ra, trường đã chủ động tích cực tham gia các hoạt động xã hội thông qua các tổ chức công đoàn, đoàn TNCS HCM như quyên góp hỗ trợ học sinh vùng sâu vùng xa, quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hiến máu cứu người... 

Trong năm 2017, thực hiện các hoạt động văn hóa nghệ thuật hai bên bờ sông Hàn của thành phố, nhà trường đã tổ chức nhiều chương và mang lại thành công tốt đẹp. Nổi bật là sự kiện mỹ thuật đường phố 2017 với những loại hình mỹ thuật đặc sắc, ấn tượng, quảng bá giới thiệu về những hoạt động mỹ thuật của nhà trường đến gần hơn với công chúng, du khách thường thức, thưởng lãm. Trong đó, tác phẩm Installation and body art (660m2): “Nhiễu” được trao kỷ lục Việt Nam dành cho tác phẩm nghệ thuật sắp đặt & trình diễn cơ thể từ các vật liệu tái chế lớn nhất Việt Nam. Trong buổi lễ kỷ niệm, ghi nhận những thành tích đã đạt được, UBND, UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng tặng nhà trường bức trướng mang dòng chữ: “Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng - 40 năm xây dựng và phát triển”, chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen cho tập thể nhà trường vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2017. 
Phan Văn Nam.

Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí văn nghệ Tam Kỳ số quý III - 2017

10:07 AM |
Trân trọng giới thiệu tạp chí văn nghệ Tam Kỳ - phát hành quý III.2017





Blog Phan Nam.

Xem tiếp…

Đêm hội vũ điệu thể thao "phụ nữ sức sống mới"

7:55 AM |
 Đêm hội vũ điệu thể thao “phụ nữ sức sống mới”

Tối ngày 27.12, hòa chung với không khí giáng sinh và năm mới 2018, tại công viên biển Đông diễn ra đêm hội vũ điệu thể thao “phụ nữ sức sống mới”, do câu lạc bộ (CLB) vũ đạo thể dục thể thao và giải trí tổ chức nhân dịp kỷ niệm ba năm thành lập.
Chương trình nhằm mục đích tạo sân chơi lành mạnh, ý nghĩa tinh thần, mang lại sức khỏe, niềm vui cho những chị em phụ nữ trên toàn thành phố. Từ 6 đội tham gia, hệ thống tổ chức hội nghệ sỹ múa thành phố qua hai cuộc thi giao lưu 2012 & 2014, nhận được sự quan tâm hưởng ứng nhiệt tình của các chị em diễn viên múa không chuyên, CLB vũ đạo thể thao và giải trí được thành lập, trực thuộc trung tâm văn hóa thành phố Đà Nẵng.
Ca sĩ nhí Hồng Minh biểu diễn (ảnh: Phan Nam)
CLB phối hợp với hội nghệ sỹ múa và hội liên hiệp phụ nữ thành phố tham gia biểu diễn trong các ngày lễ lớn, chương trình chào đón năm mới của hàng năm, trình diễn tại lễ hội khai mạc du lịch biển festival vũ hội đường phố. Người dân và du khách đã hòa mình vào những giai điệu khác nhau trong đêm hội như sport, rumba, chacha... được thực hiện của các chị em phụ nữ đang sinh hoạt trong CLB. Phát triển vũ đạo thể thao là phát triển con người, giá trị cộng đồng, ý thức đoàn kết, giao lưu học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống.
Tin, ảnh: Phan Nam.

Cơ hội vàng cho sinh viên điều dưỡng đến học tập, làm việc tại Nhật Bản

Ngày 27.12, tại trường đại học Duy Tân diễn ra lễ ký kết hợp tác hướng nghiệp, đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực ngành điều dưỡng giữa trường đại học Duy Tân và tập đoàn phúc lợi xã hội Seirei, Nhật Bản.
Văn nghệ chào mừng (ảnh: Phan Nam)
Đây sẽ là cơ hội vàng cho sinh viên ngành điều dưỡng (ĐH Duy Tân), cũng như đặt nền móng cho nhiều điều dưỡng viên khác trong khu vực và cả nước, có thêm cơ hội học tập và làm việc ở các nước phát triển, để tích lũy kiến thức và tăng thu nhập cho bản thân, sau này trở về phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Được thành lập 1930, do những người trẻ tuổi hỗ trợ những bệnh nhân mắc bệnh lao, tập đoàn phúc lợi xã hội Seirei là một tổ chức phúc lợi xã hội lớn nhất Nhật Bản với hơn 85 năm lịch sử. Tháng 12.2016, đoàn công tác của tập đoàn Seirei đến thăm, làm việc và đã có buổi giao lưu ấn tượng với giảng viên cùng sinh viên khoa điều dưỡng (ĐH Duy Tân). Ngày 5.6.2017, ĐH Duy Tân và tập đoàn Seirei ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nội dung: trao đổi thực tập sinh, trao đổi giảng viên dạy tiếng Nhật, liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu. 
Lễ ký kết chính thức (ảnh: Phan Nam)
Nhằm cung cấp cho xã hội đội ngũ nguồn nhân lực Điều dưỡng có trình độ cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của khu vực và cả nước, đại học Duy Tân tiếp tục tiến hành ký kết hợp tác với tập đoàn Seirei về hướng nghiệp, đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực ngành điều dưỡng. PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, phó hiệu trưởng, viện trưởng viện y-sinh (ĐH Duy Tân) cho biết: “Nội dung của biên bản hợp tác là đưa sinh viên đang theo học tại ĐH Duy Tân, sinh viên đã tốt nghiệp và các ứng viên khác mở rộng được hiệu trưởng ĐH Duy Tân chấp thuận gửi sang học tại trường Kaigo Fukushi Shi do tập đoàn Seirei chỉ định”. Ngoài việc tạo điều kiện các bạn sinh viên đến học tập và làm việc tại Nhật Bản, chương trình còn kết nối tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Nhật.
Phan Văn Nam.

Xem tiếp…

Lạc vào cõi "huyền bí" cùng họa sỹ Vũ Trọng Thuấn - bài viết Phan Nam

5:31 PM |
Thành phố bên sông Hàn những ngày cuối năm, giới văn nghệ sỹ và công chúng Đà Nẵng có dịp tề tựu về studio của họa sỹ Vũ Trọng Thuấn thưởng lãm các tác phẩm mới nhất của ông, nhân dịp 5 năm thành lập phòng tranh tư nhân La tour Eifel (nay là studio Vũ Trọng Thuấn) tại số 227, đường Trần Hưng Đạo.
Ngoài những tác phẩm sáng tác trong 5 năm trở lại đây, triển lãm giới thiệu khoảng 30 bức tranh mới nhất của ông được vẽ trong năm 2017, theo khuynh hướng trừu tượng (alstrait), trong lĩnh vực này ông đã hoàn toàn tự do trong cách biểu hiện bằng chất liệu acrylite trên khung vải. Nhà báo Trần Trung Sáng, người đã nhiều năm gắn bó cùng họa sỹ Vũ Trọng Thuấn giới thiệu về triển lãm: “Đặc biệt, lần này, với chủ đề “huyền bí”, Vũ Trọng Thuấn cho ra mắt hàng loạt tác phẩm mang tâm trạng đầy trăn trở, như những nỗi niềm chấp chới đọng lại của người nghệ sĩ trong cuộc chơi kỳ ảo không ngớt gọi mời”. 
Chân dung họa sỹ Vũ Trọng Thuấn (ảnh: Phan Nam chụp lại)

Mang nhiều nỗi niềm trong cuộc hội ngộ đặc biệt trong 5 năm gắn bó với Đà Nẵng, họa sỹ Vũ Trọng Thuấn chia sẻ đầy xúc động: “Tôi như một con gà chơi nhởi kiếm ăn khắp nơi nhưng dứt khoát khi đến kỳ “nhảy ổ” thì phải chọn cho mình một nơi chốn vừa ý để sinh nở. Với tôi, Đà Nẵng là một sự lựa chọn không có gì tuyệt vời hơn. Con gà là tôi đã đẻ ra hàng loạt các tác phẩm hội họa đủ các kích cỡ, đặc biệt là những bức tranh khổ lớn dài tới 10, 12m. Tôi làm việc một cách miệt mài, cảm xúc luôn dâng trào trong niềm hạnh phúc của sáng tạo. Thú thật chưa bao giờ được vẽ bằng một sự hứng khởi như thế...”.
Tác phẩm "đàn bà", 2017, họa sỹ Vũ Trọng Thuấn (ảnh: Phan Nam chụp lại)

Họa sỹ Vũ Trọng Thuấn là một họa sỹ hiện đại người Pháp gốc Việt. Ông sinh ngày 16.03.1939 tại Hải Phòng. Từ năm 1980, ông theo gia đình tới định cư tại Pháp, bắt đầu triển lãm tranh ở Provence và các phòng tranh tại Paris. Hoạt động trong lĩnh vực hội họa nhiều năm tại Pháp, năm 1999, lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam, sau đó năm 2000 - 2003, ông mở cuộc triển lãm tại phòng tranh “Art Plastique” tại TP HCM. Đến ngày 23.12.2012, ông chính thức khai trương phòng tranh tư nhân của tại Đà Nẵng, thu hút công chúng yêu mỹ thuật và giới văn nghệ sỹ thành phố tìm đến thưởng lãm, hiện nay phòng tranh có khoảng 300 bức tranh được vẽ chủ yếu trên chất liệu sơn dầu và sơn mài trên vải bố. Sau tác phẩm “thuyền buồm” (voilier, năm 2004), đã chính thức đánh dấu con đường hội họa của ông đi từ hình họa tượng hình qua trừu tượng.
Quang cảnh buổi khai mạc triển lãm (ảnh: Phan Nam)

“Con đường đó lẽ cố nhiên đã đưa ông đến lối vẽ trừu tượng, một thẩm mỹ hướng về hội họa đương đại, và còn vượt xa hơn nữa vì ông đã về nên một vũ trụ chuyên chở những màu sắc lung linh tuyệt vời, mà trong đó chỉ có tình yêu và sự trong lành”. Cuộc đời sáng tạo của ông được đánh dấu qua nhiều chặng đường, nhiều không gian và khoảng thời gian, ở đó “vẽ, với Vũ Trọng Thuấn là một quá trình sáng tạo tự phát, trong đó màu sắc được trải ra một cách nhẹ nhàng, tự nhiên trên vải bố, ngoài vòng kiểm soát của người nghệ sỹ. Người nghệ sỹ đi tìm một ngôn ngữ hội họa thuần khiết, hoàn toàn tự do để diễn tả trọn vẹn cái ý nghĩa sâu xa của sự phát sinh tự nhiên của cuộc sống”. Họa sỹ Hồ Đình Nam Kha, chủ tịch hội mỹ thuật thành phố Đà Nẵng nhận xét, triển lãm của họa sỹ Vũ Trọng Thuấn, mang lại một luồng gió mới cho giới hội họa thành phố. Triển lãm mở cửa thường xuyên đón du khách tham quan, thưởng lãm.

Phan Văn Nam.

Phan Nam trong một lần ghé thăm studio Vũ Trọng Thuấn.
Blog Phan Nam.


Xem tiếp…

Chùm thơ của tác giả Trương Quốc Toàn

6:16 PM |
Tác giả: Trương Quốc Toàn, sinh ngày 03.9.1978, hiện đang sinh sống và làm việc tại Tây Ninh. Số điện thoại: 0906.208.748,
Email: truongtoan78@gmail.com.
Anh đã có thơ và tạp bút xuất hiện trên các báo, tạp chí, trang web giới thiệu văn học nghệ thuật. Thơ anh mộc mạc, giản dị, uốn lượn qua mảng màu trong veo của tuổi trẻ, với những rung động đầy âu yếm: Gió từ sông gõ cửa/ Ngỡ anh từ xa về/ Ra ngoài hiên em đợi/ Tím lục bình sông quê. Những gợi mở nhẹ nhàng từ những tứ thơ đầu tiên luôn cho ta nhiều hoài niệm, khắc khoải, vấn vương trong tâm hồn.
Phan Nam trân trọng giới thiệu chùm thơ của anh:

NỖI NHỚ

Chạy song song cùng sông
Lục bình ken hoa tím
Sông vẫn thế - êm đềm
Sao sóng dội vào tim?

Nào phải tím hoa sim
Mà loang loang nỗi nhớ
Sông và anh mải miết
Để mình em chơ vơ

Và nỗi nhớ thành thơ
Sông và đường xa mãi
Nỗi nhớ có chia hai
Em và anh một nửa

Gió từ sông gõ cửa
Ngỡ anh từ xa về
Ra ngoài hiên em đợi
Tím lục bình sông quê.

CÚC HỌA MI

Em, cúc họa mi dịu dàng giữa mùa đông buốt giá
Nở yêu kiều
Khi mặt trời còn trốn rét sau những vòm mây
Giữa  bàng bạc mưa phùn bay bay
Mùa hương em khe khẽ
Anh đã kịp nhận ra giữa phố chiều tấp nập
Sự bình yên!

Sao em không nở mùa xuân nắng ấm?
Hạ chói chang?
Thu lãng đãng dịu đằm?
Lại dạt dào trẩy hội giữa mùa đông?

Nếu chẳng vì anh - em có nở không?
Câu hỏi anh bỏ ngỏ nơi cánh đồng xao xác gió
Nếu không vì anh - em vẫn nở
Dẫu có muộn phiền, em phải sống tiếp cuộc đời em!

BỐN MÙA CÙNG ANH

Dạo phố cùng anh, xuân
Dưới tàng cây lộc vừng
Lời yêu anh ướm ngỏ
Để đêm về bâng khuâng

Dạo phố hè cùng anh
Đã thành chồng thành vợ
Đời bao điều nhỏ nhặt
Tình ta còn như thơ?

Thu sang lá vàng mơ
Tình ta thôi đợi chờ
Mùa qua rồi  mưa  bão
Trời chiều mây xanh lơ

Dạo phố chiều cùng nhau
Đông sang lá khô cành
Hiu hiu cơn gió bấc
Vẫn ấm vì bên anh.
TRƯƠNG QUỐC TOÀN.


Xem tiếp…

Ấm áp đêm nhạc "mùa đông yêu thương 4"

3:48 PM |
Tiết mục mở màn chương trình
Hòa chung với không khí giáng sinh và năm mới 2018 đang đến gần, tối ngày 21.12.2017, CLB guitar sinh viên Đà Nẵng tổ chức chương trình đêm nhạc “mùa đông yêu thương 4” gây quỹ thiện nguyện cho bà con thôn Hiệp, xã Ka Dăng, Đông Giang, Quảng Nam.
Với giá vé vào cổng chỉ 25.000 đồng, hàng trăm bạn trẻ và sinh viên hiện đang sinh sống, học tập, làm việc tại Đà Nẵng đã đến tham dự và ủng hộ chương trình. Tới dự đêm nhạc còn có sự hiện diện của nghệ sĩ guitar Cao Minh Đức cùng CLB đội nhóm trên toàn thành phố.
Anh Lê Bá Tài, chủ nhiệm CLB guitar sinh viên Đà Nẵng phát biểu khai mạc chương trình (ảnh: Phan Nam)
Đêm nhạc được tổ chức thường niên vào dịp cuối năm và năm nay là lần thứ tư chương trình diễn ra. Trong không gian ấm áp, ngập tràn cảm xúc, những giai điệu ngọt ngào đã vang lên, những bản hòa tấu guitar tuyệt vời của các bạn thành viên trong CLB, những giọng ca tiếng hát trẻ trung, năng động càng khiến cho đêm nhạc càng thêm tuyệt vời, đong đầy yêu thương.

CLB guitar sinh viên Đà Nẵng đã trải qua hơn 10 năm hoạt động, CLB đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình và lôi kéo được đông đảo các bạn sinh viên trên toàn thành phố tham gia. Thêm vào đó, đêm nhạc còn là một dịp đặc biệt ý nghĩa để các thành viên CLB nói riêng và những bạn trẻ đam mê âm nhạc nói chung sẽ có một sân chơi giao lưu âm nhạc ấm áp nhất, gần gũi nhất để xua tan đi mùa đông giá lạnh đang đến gần. 
Nghệ sĩ guitar Cao Minh Đức tham gia giao lưu, biểu diễn (ảnh: Phan Nam)
Nghệ sĩ guitar Cao Minh Đức chia sẻ trong đêm nhạc: “Năm nay tôi rất vui vì được dự chương trình “mùa đông yêu thương 4” mà còn được mời tham gia giao lưu đánh nhạc cùng các bạn sinh viên. Tôi hi vọng đêm nhạc sẽ diễn ra thật vui vẻ, mang lời ca tiếng hát của mình để tạo thêm những giá trị khác cho xã hội và cộng đồng”. 
Anh Lê Bá Tài, chủ nhiệm CLB tặng hoa đến các nhà tài trợ. (ảnh: Fanpage CLB)
Tiết mục Violon của nghệ sĩ trẻ Cao Tiến (ảnh: Phan Nam)
Cháy hết mình trong đêm nhạc (ảnh: Fanpage CLB)
Toàn bộ số tiền bán vé và ủng hộ cho chương trình sẽ được chuyển đến bà con vùng cao Quảng Nam. Dự kiến ngày 26.01.2018, các thành viên trong CLB sẽ đến thăm và trao quà cho bà con. Được biết, chương trình đêm nhạc gây quỹ từ thiện “thương về Cà Dy” đang được các bạn sinh viên Đà Nẵng khởi động, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 06.01.2018 tại hội trường F, ĐH Bách Khoa, Đà Nẵng.
Phan Văn Nam.

Xem tiếp…

Đà Nẵng: Triển lãm ảnh chủ đề "thành phố 4 an"

12:29 AM |
Khai mạc triển lãm ảnh thời sự với chủ đề “thành phố 4 an”

Ảnh: Trần Ngọc.
Tối ngày 17.12, tại bờ tây cầu Rồng (đối diện bảo tàng Chăm) diễn ra lễ khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề “thành phố 4 an”. Đến dự buổi lễ có ông Bùi Xuân - phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy, ông Nguyễn Trọng Thao - phó giám đốc sở VH, TT & DL, ông Ngô Văn Bảy - giám đốc trung tâm văn hóa thành phố, ông Ông Văn Sinh - chủ tịch hội nhiếp ảnh Đà Nẵng.
Triển lãm là chuỗi sự kiện nối dài của các hoạt động văn hóa văn nghệ hai bên bờ sông Hàn vào cuối tuần, chào mừng kỷ niệm 71 năm toàn quốc kháng chiến ( 19.12.1946), đồng thời hướng đến kỷ niệm 73 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944) và chào đón năm mới 2018.
Trao bằng chứng nhận cho các tác giả có ảnh tham gia triển lãm (ảnh: Phan Nam)
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Ngô Văn Bảy, giám đốc trung tâm văn hóa thành phố Đà Nẵng cho biết: Với hơn 70 tác phẩm ảnh thời sự nghệ thuật đã chọn từ hơn 300 bức ảnh của gần 30 tác giả, các nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) chuyên và không chuyên đã góp phần phản ánh phần nào nội dung của chủ trương “thành phố 4 an. Bằng góc nhìn nghệ thuật , các NSNA đã ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống sinh hoạt của người dân, trong lao động sản xuất của những anh - chị công nhân, của những quầy hàng an toàn thực phẩm, của những công trình nhà máy, hay hình ảnh những chiến sỹ công an, quân đội đang rèn luyện và thực thi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông... 
Triển lãm thu hút người dân tham quan, thưởng lãm (ảnh: Phan Nam)
“Thành phố 4 an” là chương trình hành động bao gồm: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội của UBND thành phố Đà Nẵng. Tiếp nối chương trình hành động “thành phố 5 không, 3 có”, thành phố văn minh hiện đại nhận được nhiều hiệu ứng tích cực từ xã hội và sự đồng thuận của nhân dân. Triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật với chủ đề “thành phố 4 an” là một sân chơi lành mạnh và đầy bổ ích, là nơi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm dành cho các tác giả, những người đang hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh chuyên và không chuyên trên địa bàn Đà Nẵng.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 23.12.2017.
Tin, ảnh: Phan Nam.

Triển lãm ảnh kỷ niệm 50 ra đời tác phẩm “trăm năm cô đơn” của đại văn hào Gabriel García Márquez

Chân dung nhà văn Gabo
Nhân kỷ niệm 50 năm xuất bản tác phẩm “trăm năm cô đơn” của đại văn hào người Colombia Gabriel García Márquez (1927-2014), đại sứ quán Colombia tại Việt Nam mở cuộc triển lãm ảnh giới thiệu những bức ảnh quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của ông, tại bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng từ ngày 18 đến ngày 30.12.2017.
Tác phẩm “trăm năm cô đơn” được nhà xuất bản Nam Mỹ Editorial Sudamericana tại Buenos Aires (Argentina) vào tháng 5-1967 với sự đón nhận của giới phê bình và công chúng với tổng cộng 8000 bản in đầu tiên. Cho tới nay tác phẩm đã bán ra 50 triệu bản in và tác phẩm dịch ra hơn 40 ngôn ngữ trên thế giới. Tác phẩm đã được trao giải thưởng nobel văn học 1982. Tại Việt Nam, những năm đầu thập kỷ 80 tác phẩm “trăm năm cô đơn” bắt đầu được nhóm dịch giả Nguyễn Trung Đức - Phạm Đình Lợi - Nguyễn Quốc Dũng dịch sang tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha, NXB Văn học ấn hành vào năm 1986 với khoảng 10.000 bản in đầu tiên.
Bà Naranjo, đại biện Colombia tặng quà lưu niệm đến các vị lãnh đạo Đà Nẵng (ảnh: Phan Nam)
Bà Claudia Liliana Zambrano Naranjo, đại biện Colombia tại Việt Nam chia sẻ: Tôi hi vọng rằng triển lãm ảnh này sẽ giúp mở của trái tim và trí tưởng tượng, để các bạn có thể hiểu hơn về đất nước Colombia của chúng tôi thông qua những rung cảm và quyến rũ mà các trang sách của trăm năm cô đơn đã mang lại. Và hi vọng rằng một ngày nào đó, chúng tôi có thể đón tiếp các bạn trong vòng tay rộng mở để các bạn thấy được hiện thực huyền ảo của đất nước chúng tôi.
Ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng phát biểu khai mạc (ảnh: Phan Nam)
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch liên hiệp các hội VHNT TP Đà Nẵng cho hay: Suốt mấy thập niên qua, Márquez là một trong không nhiều nhà văn nước ngoài được công chúng văn học Đà Nẵng vô cùng mến mộ, không ít tác phẩm văn chương của Márquez đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và được những người mê đọc sách ở Đà Nẵng tìm đọc: chẳng hạn tiểu thuyết “Ký sự về một cái chết được báo trước”, tiểu thuyết “tình yêu thời thổ tả”, tiểu thuyết “tướng quân giữa mê hồn trận”, hồi ký “sống để kể lại”... và đương nhiên không thể không nhắc đến tiểu thuyết “trăm năm cô đơn”. Cũng theo ông Bùi Văn Tiếng, giới văn nghệ sĩ nói riêng và người Đà Nẵng nói chung yêu mến VHNT khi được tận “mục sở thị” một sự kiện văn chương và nhiếp ảnh độc đáo, cổ lai chưa từng có tại thành phố bên sông Hàn.
Các ấn bản "trăm năm cô đơn" được xuất bản tại Việt Nam
Triển lãm giới thiệu 27 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nereo López (1920-2015), người đã cùng đại văn hào Márquez đến Thụy Điển để tham dự buổi lễ trao giải nobel văn chương 1982 và ghi lại những khoảnh khắc quý giá của nhà văn Gabo. Các bức ảnh hiện giờ thuộc quyền sở hữu của thư viện quốc gia Colombia. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30.12.2017 tại bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.
Phan Văn Nam.

Xem tiếp…

Tập thơ đầu tay của cô gái đến từ mùa đông - bài viết Phan Nam

5:13 PM |
Cuối năm 2016, trên báo Tuổi trẻ chủ nhật xuất hiện chùm thơ của tác giả Huyền Thư, một tác giả hoàn toàn mới lạ trên thi đàn cùng đôi dòng giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: “Trao giải nhì cho Huyền Thư, giám khảo của cuộc thi - nhà thơ, nhà biên kịch nổi tiếng Anne Kennedy nhận xét: “Trong bài thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?, Huyền Thư đề cập đến trận lụt kinh hoàng và hậu quả của nó. Bài thơ này là minh chứng cho tầm quan trọng của nghệ thuật trong việc giúp con người vượt qua nỗi đau, bằng cách so sánh thảm họa với vẻ đẹp - vẻ đẹp của nhạc điệu và hình ảnh. Huyền Thư viết bài thơ này bằng tiếng Việt và tự chuyển ngữ sang tiếng Anh. Sống ở New Zealand, thơ của Huyền Thư chật đầy nỗi nhớ về một xứ sở Việt Nam đang cách xa cô hàng chục nghìn cây số”. Chặng đường sáng tác của Huyền Thư dẫu không dài nhưng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng, và thơ Huyền Thư được biết đến nhiều hơn khi tác phẩm xuất hiện thường xuyên hơn trên các báo, tạp chí trong nước. Tập thơ “nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu” do Sài Gòn books liên kết cùng nhà xuất bản Văn học ấn hành, chuẩn bị lên kệ sách vào cuối tháng 11.2017 là tuyển tập những thi phẩm của tác giả trẻ Huyền Thư được viết trong khoảng thời gian xa quê.
Tác giả trẻ Huyền Thư
Thơ Huyền Thư là tiếng lòng của những người làm thơ trẻ hôm nay, với nhiều cảm xúc đan xen, đó là những rung động tuổi trẻ: “Em về để bắt đầu hai mươi/ Mùa xuân từ căn nhà có cây lộc vừng hoa xòe bừng đỏ/ Ngồi nhìn mưa phùn ướt đêm nằm trên lá ngủ/ Lá ngả xanh xao như thể hai mươi sẽ phải mất rất nhiều”, nỗi niềm của người con xa quê trong chuỗi ngày ấu thơ sống tại Đông Hưng-Thái Bình: “Quê hương gọi con là đứa nhỏ/ Khát tiếng mẹ ru với lúc sẻ nâu nháo nhác gọi bầy/ Con gọi quê hương là hoàng hôn đỏ/ Con nước sông chiều lấp loáng tóc dài mẹ thả như mây/ Hóa ra nỗi nhớ vơi đầy/ Là quê hương đó, ở ngay tim mình!”, tình cảm đối với cha mẹ và cõi lòng khắc khoải trước thời gian và cuộc sống: “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu/ Có biết những buổi xót lòng đôi mùa lũ sông ngập đồng, lúa chết/ Khói rạ chiều quê hun hao gầy mắt biếc (...) Trong nỗi nhớ có hạt nắng bình minh/ Có dấu gót giày về trên nền gạch mốc/ Trong tiếng mở cửa về cọ diêm đốt thuốc/ Là trăn trở nốt xem: nhớ đến bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều?”. 
Và còn rất nhiều gam màu tươi đẹp, lãng mạn trong dòng chảy cảm xúc của Huyền Thư ở chân trời mới: “Nhưng tôi vẫn chờ tiếng thì thầm từ Châu Đại Dương/ Chờ đôi mắt em thốt lên những điều dịu dàng nhất/ Hơi ẩm gió mùa mang làn hương sự thật/ Còn tôi thương em, như một lẽ rất đời”. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Huyền Thư chia sẻ: “Tôi nghĩ cảm xúc là điều rất khó che giấu, đặc biệt là khi đạt đến một giới hạn nhất định thì con người ta bằng một cách nào đó sẽ tự giải thoát nó ra. Vậy là vô tình mình chọn đến với thơ như một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống”. “Tất cả những tháng mười một đã qua luôn luôn là một phần đặc biệt đối với cuộc đời mình. Thư sinh ra vào tháng mười một, xa bố mẹ từ nhỏ và luôn trở về vào dịp này khi trời vừa chớm đông”, Huyền Thư viết trên trang cá nhân như thế, không quên kèm theo lời cảm ơn và hi vọng độc giả đón nhận tập thơ của cô gái đến từ mùa đông.


Tác giả: Huyền Thư, tên thật Tăng Thị Huyền Anh, sinh ngày 29.11.1997, quê quán: Phú Lương - Đông Hưng - Thái Bình. Hiện đang theo học ngành Quy hoạch đô thị tại Trường đại học Auckland (New Zealand). Huyền Thư mới bắt đầu viết từ 2015 nhưng đã có sách xuất bản (in chung) “Viết cho mùa gió trở”, và nhiều tác phẩm xuất hiện trên nhiều trang văn chương Việt. Bài thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu? được Huyền Thư viết bằng tiếng Việt và tự chuyển ngữ sang tiếng Anh. Bài thơ được trao giải thưởng cuộc thi thơ trẻ của trung tâm viết văn trường đại học Victoria (New Zealand).

PHAN NAM.

Xem tiếp…

Triển lãm mỹ thuật Đà Nẵng 2017

12:09 PM |
Triển lãm “mỹ thuật Đà Nẵng”
Nhân kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống mỹ thuật Việt Nam (10.12) và 60 năm ngày thành lập hội mỹ thuật Việt Nam (1957-2017), vào lúc 16h ngày 06.12 tại diễn ra triển lãm “mỹ thuật Đà Nẵng 2017”. Đến dự buổi khai mạc có ông Đặng Việt Dũng, trưởng ban tuyên giáo thành ủy; họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, chủ tịch hội mỹ thuật thành phố, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, phó chủ tịch hội mỹ thuật Việt Nam; họa sĩ Đặng Mậu Tựu, UVBCH hội mỹ thuật Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung.
Bức tranh "Câu chuyện họa sĩ" của họa sĩ Nguyễn Văn Yên
Triển lãm giới thiệu hơn 60 tác phẩm mỹ thuật của 50 tác giả thành phố, được trưng bày trong không gian thoáng mát, hiện đại thu hút rất đông công chúng tham quan, thưởng lãm. Cũng trong dịp này, hội mỹ thuật tiến hành trao giải thưởng cho các tác giả đạt giải hằng năm của hội, theo đó các họa sĩ được trao giải bao gồm: 1 giải nhất cho tác phẩm Góc phố của Trương Nguyễn Nguyên Kha, 1 giải nhì cho tác phẩm Câu chuyện họa sĩ của Nguyễn Văn Yên và 4 giải ba, 1 giải khuyến khích và một giấy khen.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tổ chức tọa đàm “sự phát triển của mỹ thuật khu vực Nam miền trung và Tây Nguyên”, tọa đàm “mỹ thuật đương đại Việt Nam, định hướng sáng tác”. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 16.12.2017.

Tin, ảnh: Phan Nam.

Đà Nẵng: Hơn 350 gian hàng tham gia hội chợ hàng việt và nông sản an toàn 2017

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình hợp tác phát triển chuỗi sản phẩm an toàn giữa TP Đà Nẵng và các tỉnh thành trên cả nước, từ ngày 14/12 đến ngày 19/12 diễn ra hội chợ hàng Việt & nông sản an toàn thực phẩm 2017 tại trung tâm hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên, là cơ hội để doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh, mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ.

Tiết mục văn nghệ chào mừng
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “Nhờ đầu tư làm tốt công tác tổ chức, trang trí, quảng bá nên hội chợ đã tạo được uy tín thương hiệu đối với doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, đã ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, mở rộng mạng lưới và từng bước đổi mới phương thức kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa dịch vụ chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước”. 
Ông Hồ Kỳ Minh phát biểu khai mạc (ảnh: Phan Nam)
Hội chợ năm nay với sự tham gia của hơn 200 đơn vị doanh nghiệp với uy mô 450 gian hàng sẽ là cầu nối hữu ích, thiết thực giữa các tỉnh thành và người tiêu dùng. Hội chợ diễn ra nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như trưng bày, giới thiệu, quảng bá, mua bán trao đổi sản phẩm, các chương trình văn hóa văn nghệ, các buổi biểu diễn ca nhạc hằng đêm với sự góp mặt của các ca sĩ trẻ đến từ TP HCM...
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm.
Tin, ảnh: Phan Nam.

Xem tiếp…

Cùng ăn tối với mẹ - truyện ngắn Gunawardana (Sri Lanka)

9:23 AM |
Sau hơn hai mươi mốt năm chung sống, vợ tôi tỏ ý muốn tôi mời một người phụ nữ đi ăn tối, rồi sau đó cùng đi xem phim. Vợ tôi nói rằng: “Em yêu anh, nhưng em biết có một người phụ nữ cũng rất yêu anh, và luôn mong muốn anh dành một ít thời gian cùng đi với bà ấy.”
Người phụ nữ mà vợ tôi muốn tôi mời chính là mẹ của tôi. Sau khi cha tôi qua đời, mẹ đã mười chín năm sống một mình. Nhưng vì công việc bận rộn và chăm sóc ba đứa con, tôi chỉ thỉnh thoảng mới đến thăm bà. Đêm đó, tôi gọi điện thoại cho mẹ.
“Có chuyện gì vậy, có làm sao không con?”. Mẹ tôi hỏi.
Mẹ tôi là một người nhạy cảm. Theo suy nghĩ của bà, nếu có cuộc điện thoại vào đêm khuya hoặc có việc gì đột xuất nói với bà, hoặc thường là báo tin dữ cho bà.
“Con muốn được ăn tối cùng với mẹ, mẹ ạ, con nghĩ chắc chắn đó là một điều vui vẻ vô cùng”. Tôi trả lời. “Chỉ cần hai mẹ con mình thôi!”. Mẹ tôi suy nghĩ một lát, rồi nói: “Mẹ rất vui lòng con ạ!” .
Sau khi hết giờ làm việc ngày thứ sáu, tôi lái xe đến đón mẹ. Lúc ấy, trong lòng tôi cảm thấy có một chút hồi hộp. Khi vừa đến nhà của mẹ, tôi thấy, mẹ hơi bồn chồn lo lắng trước cuộc hẹn hò của chúng tôi. Mẹ tôi mặc một chiếc áo khoác ngoài đứng ở trước cửa, mớ tóc búi cao. Mẹ mặc một bộ lễ phục tuyệt đẹp mà mẹ mới chỉ mặc có một lần khi kỷ niệm ngày cưới... Gương mặt mẹ tràn trề niềm vui với nụ cười rạng rỡ, giống như một thiên thần.
“Mẹ đã khoe với mấy bà bạn của mẹ rằng, mẹ đi chơi với con trai của mẹ. Mọi người đã ghen tỵ với mẹ đấy!”. Sau khi vào ngồi trong xe, mẹ còn nói thêm rằng: “Mọi người còn đang chờ đợi tin tức cuộc gặp gỡ của chúng ta đấy”! .
Chúng tôi cùng đi đến một nhà hàng. Dù không được sang trọng lắm, nhưng nhà hàng làm cho khách có ấn tượng là đẹp và ấm cúng. Mẹ khoác tay tôi như thể bà là đệ nhất phu nhân. Sau khi ngồi xuống, tôi chọn một thực đơn, chữ in trên thực đơn rất lớn. Trong thực đơn, khi tôi liếc mắt qua, thấy mẹ ngồi đó nhìn chằm chằm vào tôi, từ nụ cười trên miệng có thể thấy bà đang bị đắm chìm trong ký ức hạnh phúc.
“Lúc con còn nhỏ thì mẹ thường xem thực đơn con ạ” - Mẹ tôi nói.
“Bây giờ là lúc để mẹ có thể thưởng thức, vì vậy con sẽ chiều mẹ ngay lập tức” - Tôi nói.
Trong lúc ăn uống, mẹ và tôi nói chuyện vô cùng vui vẻ, không có vấn đề gì đặc biệt cả, chỉ nói chuyện với nhau một vài việc xảy ra gần đây. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều, từ chuyện xem phim bị quên đến những chuyện xa xôi trên chín tầng mây. Sau đó, chúng tôi trở về nhà của mẹ, bà nói: “Lần sau, mẹ sẽ đi ăn ở nhà hàng với con, nhưng con phải để mẹ mời con đấy!”.
Tôi đồng ý.
“Bữa ăn tối của mẹ và anh như thế nào?”. Vừa về đến nhà, vợ tôi đã sốt sắng hỏi ngay.
“Thú vị vô cùng em ạ. Vui hơn cả những điều anh nghĩ!” - Tôi trả lời.
Vài ngày sau, mẹ tôi đã qua đời do bị nhồi máu cơ tim. Tất cả điều này xảy ra thật quá bất ngờ, và tôi không có cơ hội để làm bất cứ điều gì cho mẹ nữa. Không lâu sau, tôi nhận được một lá thư. Thư viết là mẹ tôi đã đặt trước bữa ăn lần tới của tôi và mẹ ở nhà hàng, kèm theo lá thư có cả giấy biên nhận, còn có kèm theo một ghi chú: “Mẹ đã trả tiền trước các hóa đơn ấy rồi, mẹ không biết liệu mẹ còn có thể ngồi ở đó nữa không, nhưng mẹ đã trả tiền hóa đơn cho cả hai người, một là dành cho con và người kia là dành cho vợ của con, và con cũng không bao giờ biết, đêm đó có ý nghĩa như thế nào đối với mẹ, mẹ yêu con!”. Vào khoảnh khắc ấy, tôi mới hiểu một cách sâu sắc khi mẹ tôi nói câu “Mẹ yêu con” và tầm quan trọng của việc dành thời gian cùng với những người thân của chúng ta!
Trong cuộc sống của chúng ta, không có gì hơn Thượng đế và người nhà của bạn còn quan trọng hơn nhiều. Chúng ta nên cùng với họ, bởi vì bỏ lỡ cơ hội này sẽ không bao giờ có “một lần sau”!

Truyện ngắn của H.P.R Gunawardana (Sri Lanka)
PHẠM THANH CẢI
(Dịch từ phiên bản tiếng Trung)
Nguồn: http://nguoihanoi.com.vn/

Xem tiếp…

Mặt trời ngoài ngõ đang trôi (*) - bài viết của Phan Nam.

10:43 AM |
Sau một thời gian dài thai nghén, tác giả trẻ Trương Thị Bách Mỵ, người con của miền đất thi ca Đại Lộc (Quảng Nam) xuất bản tác phẩm mới “đêm chảy dài trên tóc” (NXB Hội nhà văn 2017). Chị cũng là đại biểu chính thức tham dự hội nghị viết văn trẻ vừa diễn ra vào hai ngày 25 - 26 tháng 11, do hội nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, cố ngoại của chị là NSND Nguyễn Nho Túy, Bách Mỵ sớm tiếp xúc với nghệ thuật qua các bài ca, điệu hát. Dòng máu nghệ sĩ trong chị được hình thành và nhào nặn khi chị tốt nghiệp ngành diễn viên tuồng, sau đó về làm việc tại nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh. Thơ chị lần đầu tiên được biết đến qua chuyên mục “trang viết đầu tay của những cây bút nhỏ” của đài tiếng nói Việt Nam tuyển chọn và phát sóng. Kể từ đó đến nay chị đã đi chặng đường dài với thơ, mặc dầu gặp không ít trắc trở truân chuyên trong cuộc sống, lập gia đình rồi từ giã nghề diễn viên, gánh nặng mưu sinh khiến thời gian dành cho thi ca cứ thu hẹp dần. Nhưng đến hôm hay nhận được tập thơ, tôi mới vỡ lẽ chị vẫn miệt mài với con chữ, với thi ca. Lật mở từng trang thơ, chị trải lòng mình trong những ngày chạy chợ tại Hòa Khánh: “Bạn biết không khi thành phố dồn tôi về núi/ mẹ biểu tôi ra chợ ngồi/ Sẽ vui!/ Mẹ trao tôi một cần câu cơm là cách tôi khép cửa nhà và yêu những con người ở chợ/ như người thân của mình” (Tôi ở chợ). 
Tôi nhiều lần đến cửa hàng của chị, không gian ngột ngạt giăng kín, cơn buồn ngủ của buổi trưa chợ vắng chực trào, lòng tôi như se thắt ngắm nhìn cây bàng trút lá, rồi trổ đọt nguyên sơ, nhu nhú những chồi non. Dòng đời nổi trôi, như mặt trời ngoài kia, chẳng bao giờ chịu dừng lại, miệt mài luân chuyển ngày đêm: Cách gì níu ghì xúc cảm/ Mặt trời ngoài ngõ đang trôi/ Em đứng. Con đường như sóng/ Ngày va đập những đam mê (Mặt trời ngoài ngõ đang trôi). Những dòng thơ về mẹ của chị trong thơ chị tươi mới, ngọt lành và tràn đầy xúc cảm. Khi đọc thơ Bách Mỵ, nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên nhận xét: “Bao la trong thơ Bách Mỵ một tâm lượng hải hà: Hạnh làm mẹ (màtugàma) - một phẩm tính thiêng liêng cao quý của người phụ nữ trong triết lý Phật. Đây không hề là sự từng trải hay vốn sống như người ta thường nói, mà là tố chất bẩm sinh (...) Mà là tố chất bẩm sinh thì đấy muôn đời là niềm bí mật”. Viết về mẹ, trong cõi đời mênh mông có biết bao người viết, có biết thi sĩ chắt lọc vần thơ từ gan ruột, có biết bao nỗi niềm cuồn cuộn thực khó đếm xuể. Vậy mà, Bách Mỵ tạo nên hình hài khác từ những vần thơ chị viết về mẹ, bay qua cánh đồng chữ nghĩa để đến với dòng sông, nơi ấy ngõ nguồn Vu Gia soi thấu tâm can, nuôi dưỡng mầm sống được tạo thành từ mạch máu, trái tim, thân xác của mẹ. Thế nhưng, đứa trẻ nào rồi cũng sẽ lớn lên, đủ lông đủ cánh bay đến khoảng trời lạ xa, và trong “cái đêm bỏ làng theo sông” ấy, nước mắt tuôn trào như mưa, không thể gọi tên được nỗi nhớ cũng không biết nỗi nhớ bắt đầu từ đâu, chỉ xin dành trọn cuộc đời này cho mẹ, cho quê hương.
Đêm bỏ làng theo sông...
dúi đôi chân vào trong lòng quê
mẹ vỗ lưng “con cò ăn đêm”
mẹ xoa tóc “mười hai bến nước”
giọng hát mẹ đầy như trăng mùa thu

                                  (Đường về nhà)
Ảnh bìa tập thơ "đêm chảy dài trên tóc"
 Trong những đêm cô đơn, người đàn bà mở mắt ngóng trông về cố xứ, nhìn sợi tóc rụng rơi. Sợi tóc như chứng nhân của tình yêu sắt son, của đức hi sinh lặng thầm, lặng lẽ chảy dài: “Một giọng hò cứa ngang vệt trăng soi/ À ơi... Ngó bên tê Hàn phố xá nghênh ngang/ mắc con mèo bấu dấu chân/ đêm chảy dài trên tóc” (Đêm chảy dài trên tóc). Nhà thơ Phan Hoàng từng nhận xét: “Như con suối rừng vừa oằn mình giữa những cơn lũ thương đau, cố vượt thoát đi tìm ánh sáng trong veo tươi mới từ cội nguồn sự sống, thơ Trương Thị Bách Mỵ dịu dàng trong những cảm xúc đầy trắc ẩn... Đôi khi chưa tiết chế được cảm xúc, ngôn ngữ thơ còn dàn trải, nhưng Trương Thị Bách Mỵ cho thấy một con đường thơ đáng chờ đợi sau những ngày gian nan “cõng ngày vượt suối” như câu thơ chị viết”. Chính cảm xúc dẫn dắt lối đi để cuộc sống thêm phần ý nghĩa, thêm những bất ngờ, sau chuỗi ngày nhàm chán, mệt mỏi, buồn bã. Hành trình sáng tạo trong thơ chị còn dài, nhưng hạnh phúc thì chưa bao giờ dừng lại, hoa luôn nảy nở giữa giông bão để đơm hương phơi sắc cho đời: “Và những đời sống khác/ Và những kinh nghiệm không cần trả giá!/ Em cám ơn thơ đi/ Hay cám ơn cuộc đời có mẹ/ Những yêu thương an trú trong lòng” (Cám ơn thơ). Trong buổi ra mắt tập thơ, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đến bên tôi, đưa ra nhận xét: “tập thơ này hay đó”, và tôi nghĩ độc giả sẽ có những cảm nhận cho riêng mình khi sở hữu tập thơ này...
PHAN NAM.
(*) Đọc tập thơ “đêm chảy dài trên tóc”, NXB Hội nhà văn 2017.
Bài đã được biên tập và đăng trên báo công an TP Đà Nẵng số 287, ngày 30.11.2017
Phan Nam và chị Bách Mỵ tại buổi ra mắt tập thơ tại cafe Sen (Đà Nẵng) ngày 17.11.2017
Blog Phan Nam.

Xem tiếp…