XUÂN THAO “NGẬP NGỪNG” TỪNG NHỊP THỜI GIAN - Bài viết của Phan Nam

11:07 PM |
 
Bìa sách và tác giả Xuân Thao. 
 
Hôm đi dự buổi nói chuyện của nhà văn Nguyên Ngọc về giải thưởng nobel văn học 2015 tại trụ sở liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng, tôi được tặng tập thơ “Ngập Ngừng” của Xuân Thao xuất bản vào tháng 8.2015. Tập thơ mỏng mỏng với 32 bài thơ được làm chủ yếu trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2015. 
Qua lời giới thiệu trong tập thơ thì Xuân Thao tên thật là Lê Văn Thí, sinh năm 1944, sinh quán Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng, sinh hoạt văn nghệ báo chí từ năm 1962. Không hiểu sao khi tập thơ lên tôi có cảm giác buồn buồn, những lát cắt của thơ Xuân Thao thật bình yên, thật giản dị khiến cho lòng tôi nôn nao, khó tả. 32 bài thơ là 32 cảm xúc khác nhau qua từng nhịp chậm rãi, khiến cho dòng thời gian như ngừng lại qua từng con chữ. Hình ảnh thơ không mới: vẫn sương, vẫn khói, vẫn đêm, vẫn ngày, vẫn nắng, vẫn mưa, vẫn trăng… nhưng sao mỗi khi đọc tôi như chìm vào thế giới có thể lắng nghe nhịp thời gian vỡ trên từng con chữ, những vần thơ len lỏi như chiếm trọn tâm can con người. Mở đầu bài thơ, nhà thơ Xuân Thao khẳng định tiếng lòng của mình:

Huống rằng ta chẳng phải tài hoa
Thơ viết không được mong rao bán
(Ta sợ quá rồi chuyện “hệ lụy văn chương”)
Thơ chỉ làm vui qua tuần rượu
(Lên Nguồn)

Quả đúng như vậy, Xuân Thao sáng tác rất nhiều nhưng ít khi xuất hiện trên báo hay tạp chí. Tôi lên mạng tìm mãi cũng chỉ thấy Xuân Thao xuất hiện trên trang web văn chương việt, vuông chiếu Luân Hoán và một số blog của thi hữu. Nhà thơ Phạm Ngọc Lư, thân hữu của Xuân Thao chia sẻ trong bài viết của mình: “Anh sống gần như khép kín, thầm lặng, ít giao du. Thơ anh ít người biết, ngay trong thời kỳ viết “tới” nhất khi ở Quảng Ngãi, bởi anh không chịu gởi đăng báo nầy báo nọ..”. Cầm tập thơ “Ngập Ngừng” trên tay tôi mới thấy hết giá trị của một nhà giáo già muốn để lại cho con cháu, bởi vì trong tập thơ đầu tay “Sóng Mòn” (2009) và tập thơ này Xuân Thao luôn đề: “Kính dâng Tứ thân phụ mẫu/ Thân tặng Hiền thê và các con”. Xuân Thao chắt chiu con chữ, chạm vào từng hình ảnh quê hương thật cụ thể mà cũng thật trừu tượng, giọng thơ khoáng đạt ẩn chứa trong đó bao tâm tư của một đời người:

Thời gian dần tát cạn đêm
Giờ này biết còn ai còn nấn ná trong quán trọ
Vọng về cố hương
Buồn...
Còn ai nơi quan tái
Nhớ nhà
Muốn cưỡi trăng sao mà về
Bước chân ai sấn sướt trên cát?
Trường sa hành
(Đêm trừ tịch)

Hình ảnh “đêm” hiện hình trong thơ Xuân Thao bằng một giọng buồn man mác nhưng cũng lắm ưu tư về nhân thế, về cuộc đời, có lẽ nào tác giả muốn thoát khỏi đời sống thực tại bằng cách “cưỡi trăng sao” để quay về nguồn cội. Nhớ quê hương, về quê hương, đó là tâm lý rất đỗi bình thường của mỗi người, và trong những cơn lũ nhà thơ đã thốt lên những tâm tư thống thiết:

Sáng nay, có một cành mai vừa gãy bên trời
Cành mai được sóng nước cuốn trôi đi
Trôi lênh đênh
Trôi bàng hoàng
Và âm thầm nở hoa...
(Nước chảy hoa trôi)
Hay:
Tiếng ai hát dưới ngàn dâu
Mà nay lay động mối sầu tư – tương
Buồn mong manh, nhớ mênh mông
Màu xanh của lá bềnh bồng trong tôi
(Ngàn dâu xanh ngắt)

Những tình cảm của thi sĩ gửi gắm quê hương thật tha thiết bằng một giọng thơ tự do nhưng lại rất đau xót, ngập ngừng. Phải chăng trông về quê nhà qua những mùa lũ mà Xuân Thao có một giọng thơ đong đầy tình cảm một cách rất mộc mạc, chân tình, không phù phiếm, hoa mỹ. Những đêm đông cũng mang lại cho thơ Xuân Thao một cảm giác bình yên đến lạ kỳ, sự đồng cảm cho những khoảnh khắc, những số phận đau đáu qua từng câu chữ:

Có tiếng rao hàng đêm khuya
Của kiếp người cơ cực
Đang lướt thướt đi dưới mưa
Với ngọn đèn hột vịt hắt bóng tù mù
Tiếng rao như chất chứa nỗi buồn
của hàng mấy trăm năm về trước
(Những ngày mùa đông)

Về với âm thanh thiên nhiên, thơ Xuân Thao lại mang một hơi hướm khác, cảm giác thanh bình cho ta cảm nhận từng hơi thở gõ nhịp thời gian. Sự đặc sắc trong thơ chính là những nốt lặng để ta cảm nhận mọi ngóc ngách thời gian thấm vào thanh âm của không gian:

Đêm yên lặng vô cùng
Nghe rõ tiếng chuột tha cắn giấy trong ống tre
Sột soạt, sột soạt
Kiên nhẫn... miệt mài...
Tiếng con sâu tường kêu văng vẳng đâu đây
Tỉ tê... dai dẳng...
(Lặng lẽ đêm đông)


Những địa danh nơi chôn nhau cắt rốn hiện lên trong tâm tưởng của người thi sĩ già cũng rất đầy đủ in dấu từng bước chân:

Núi Cùng nằm gọn lỏn trong lòng những làng xã kế cận
Xuân Đán, Phục Đán, An Khê, Xuân Hòa...
Hà Khê, Thanh Khê, Thạch Thang, Thạc Gián...
Những tên làng cũ bây giờ chỉ còn trong trí nhớ
(Nhớ Quê)
Hay:
Tìm ở phố không xong, anh quay về quê kiểng
Nhà em đâu, để anh về cùng ăn mít chín?
Ở chợ Phú Bông hay Hà Mật, Thi Lai?
Anh chạy một vòng qua Kỳ Lam, Gò Nổi
(Anh vẫn chờ em ở cuối cuộc đời)

Với tình yêu, Xuân Thao có một giọng thơ không trộn lẫn, vừa nặng tình vừa vương mang cảm giác thi vị đường trần: Người đi như sông trôi:/ Những bãi bờ hiu quạnh/ Những phá phách cuồng lưu/ Còn mình ta ngồi lại/ Mình ta... với bóng mình... Tiếng lòng của tác giả phảng phất những nỗi buồn được chắt chiu và khám phá qua từng giây, từng phút... Ngôn ngữ không cường điệu với những hình ảnh so sánh, liệt kê một cách đầy đủ, chân thực, không trừu tượng, dễ hình dung, dễ hiểu, đó là phong cách thơ mộc mạc chân tình của Xuân Thao.

Thi nhãn qua từng vần thơ trải dài trong không gian, đứt đoạn qua từng nhịp thời gian: Những ân tình đứt đoạn/ Những tình nghĩa cũ càng/ Nằm nhìn qua khung cửa/ Vẫn màu mây bạc màu. Qua 32 bài thơ, Xuân Thao đã phác họa cho người đọc bao xúc cảm tốt đẹp, lắng đọng qua một giọng thơ đặc biệt, đầy hiện hữu, không xa hoa màu mè, không phá cách nhưng đầy nghĩa tình, chất chứa cái tình vô hạn với cuộc sống, với chữ nhân. Đọc toàn bộ tập thơ, có cảm giác như thi sĩ muốn kể chuyện qua một giọng trầm tư để ngắm nhìn khoảnh khắc của thiên nhiên, tiếng nấc của lòng mình. Những cách kể chuyện của Xuân Thao làm người khác phải lắng lặng nghe, cảm nhận và thấu hiểu tiếng nói trong từng nút thắt thời gian.
          
PHAN NAM

Đà Nẵng, đầu năm 2016


Xem tiếp…

LỜI TRI ÂN “HỢP TUYỂN VĂN THƠ BÔNG TRÀM” - Văn nghệ Bông Tràm

10:14 PM |
"Hợp tuyển văn thơ Bông Tràm" 
là cuốn sách đầu tiên Phan Nam tham gia.
Website văn học nghệ thuật Bông Tràm ra mắt bạn đọc ngày 3/1/2011, đến nay đã trải qua chặng đường 5 năm định hình và trưởng thành. Với sự tiến bộ qua từng ngày và những thành quả đã đạt được, Bông Tràm ngày càng được bạn đọc - bạn viết yêu quý và đánh giá cao, cũng là website văn nghệ hiếm hoi trụ vững ở vùng đất phương Nam. 
Những ai gắn kết với trang nhà từ buổi đầu đều biết Bông Tràm khi ấy chỉ là một trang blog “cây nhà lá vườn”. Chúng tôi và các bạn đã vượt qua không ít gian truân để phát triển trang nhà. Đến nay dù đã là website, nhưng Bông Tràm vẫn là sân chơi không lợi nhuận, không tài trợ, tự thân vận động, tất cả mọi hoạt động đều bắt nguồn từ nhiệt tâm của anh em. Nhưng, chúng tôi không cô độc! Vẫn còn đó biết bao bè bạn xa gần, mỗi ngày theo dõi trang nhà và thường xuyên tham gia cộng tác. Còn đây những anh chị đi trước trong giới văn nghệ đã gửi gắm niềm tin tưởng, kỳ vọng và đóng góp ý kiến quý báu. Và còn nhiều sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của thân hữu các nơi… Tất cả đã làm nên bộ mặt và chỗ đứng cho Bông Tràm của ngày hôm nay.
 Cho nên không quá bất ngờ khi từ con số 0 tròn trĩnh ban đầu, chúng ta đã làm được nhiều điều hơn cả mong đợi. Không cạnh tranh, không ồn ào, 5 năm qua Bông Tràm vẫn âm thầm làm nơi nối kết những con người có chung niềm đam mê sáng tạo, tạo điều kiện cho các tác giả giới thiệu tác phẩm đến bạn đọc. Đã có hàng trăm tác giả từ nhiều vùng miền trong nước và nước ngoài gửi bài cộng tác, hàng ngàn tác phẩm được giới thiệu với nội dung ngày càng phong phú và chất lượng. Không chỉ hoạt động trực tuyến trên Internet, Bông Tràm còn tổ chức những hoạt động thực tế có ý nghĩa. Đáng ghi nhận như: Giải thưởng Tác phẩm hay thường niên, Trao quà từ thiện cho học sinh nghèo đón Tết mỗi năm, Xuất bản tuyển tập thơ kỷ niệm 2 năm hoạt động… và nay là tập sách trên tay quý bạn!



 Nhằm lưu lại chút kỷ niệm chúng ta đã đồng hành trên chặng đường vừa qua, Bông Tràm tổ chức xuất bản “Hợp tuyển văn thơ Bông Tràm” đánh dấu 5 năm hoạt động (3/1/2011 - 3/1/2016). Sách có sự góp mặt của 55 tác giả với 120 tác phẩm văn và thơ. Do sự khác biệt về vùng miền, độ tuổi, vốn sống… nên chất lượng tác phẩm không đồng đều. Song, biết đâu điều đó sẽ trở thành ưu thế khi tạo được màu sắc đa dạng và phong phú cho tuyển tập. Có được “Hợp tuyển văn thơ Bông Tràm” là nhờ sự thành công của Bông Tràm, mà webiste có được thành công này là nhờ sự nhiệt tình quan tâm ủng hộ của quý cộng tác viên và bạn đọc trong suốt 5 năm qua. Xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất cho những tình cảm quý báu đó!
 Đường còn dài phía trước, chúng tôi vẫn luôn mong mỏi được tiếp tục đồng hành cùng quý bạn!
BAN CHỦ TRƯƠNG VĂN NGHỆ BÔNG TRÀM

Kính gửi quý bạn đọc, bạn viết!
Sau thời gian dài tổ chức phát động, tuyển chọn và in ấn, tuyển tập văn thơ kỷ niệm 5 năm hoạt động của website văn học nghệ thuật Bông Tràm (3/1/2011 - 3/1/2016) cũng đã hoàn tất và chính thức phát hành. Với tên gọi “Hợp tuyển văn thơ Bông Tràm”, quyển sách vừa là sự ghi nhận cho một chặng đường đã qua, vừa là lời tri ân những thân hữu đã đồng hành cùng trang nhà. 
“Hợp tuyển văn thơ Bông Tràm” có sự góp mặt của 55 tác giả với 120 tác phẩm văn và thơ. Do sự khác biệt về vùng miền, độ tuổi, vốn sống… nên chất lượng tác phẩm không đồng đều. Song, biết đâu điều đó sẽ trở thành ưu thế khi tạo được màu sắc đa dạng và phong phú cho tuyển tập. Sách do NXB Văn học cấp phép, dày 272 trang khổ 13x19, in trên giấy tốt, bìa và ruột trang nhã. Giá bìa: 70.000 đồng.
Ngoài phần sách dành cho các tác giả, số sách còn lại sẽ được bán trực tuyến trên website Bông Tràm để gây quỹ cho hoạt động của trang nhà. Quý bạn đọc, bạn viết có nhu cầu tìm đọc và ủng hộ xin vui lòng liên hệ qua email: btvannghe@gmail.com và gửi tiền bằng một trong hai cách sau:
- Nguyễn Hoàng Nam - tổ 8, ấp Vĩnh Thành, TT. Cái Dầu, Châu Phú, An Giang. 
- Tài khoản số: 6708215028100 tại Ngân hàng Agribank chi nhánh An Giang
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc !

Nguồn: bongtram.com


Xem tiếp…

BÀN CHƠI VỀ VĂN HỌC THỊ TRƯỜNG - Vĩnh Thông

11:46 PM |
Nhà thơ trẻ Vĩnh Thông
Đáng lẽ ra thì sẽ không có bài viết này. Nhưng cuối cùng rồi nó cũng ra đời. Đã từng nhiều lần là dự định cho một status ngắn ngắn trên Facebook cá nhân. Nhưng rồi lại cất ý định đó đi, vì… sợ. Sợ đụng chạm, sợ bị ném đá, sợ bị nói là mình phách lối, đủ thứ… 

 Nhưng rồi, bài viết này cũng ra đời sau khi đọc một số tranh luận về “văn học thị trường” và “văn hóa đọc” của người trẻ hiện nay. Trước giờ nhiều người cứ nghĩ chỉ có nhạc thị trường, nhưng không, văn học cũng có, nó đang dần định hình.

Văn học, hay nói rộng hơn là nghệ thuật, theo tôi nghĩ giá trị của một tác phẩm không phải nhất thời, mà là lâu dài. Cái hay không ở khi ta đang trực tiếp thưởng thức mà là sau đó, khi kết thúc tác phẩm, hoặc tối ngủ, hoặc mấy ngày sau, người ta còn đọng lại cái gì? Ở đây không bàn đến những tác giả viết về cái gì, mà là viết như thế nào? Người viết có quyền tự do lựa chọn bất cứ đề tài nào mà mình thích, nhưng trước hết và trên hết, nó phải mang lại ý nghĩa gì, thông điệp gì, tác động gì đến người đọc.

Đầu tiên nói về những quyển sách - những tập tản văn viết về tình yêu của các bạn trẻ - rất trẻ, đang làm mưa làm gió, nổi đình nổi đám, trên thị trường sách lẫn Internet hiện nay. Tình yêu là đề tài muôn thuở, có ý nghĩa đặc biệt đối với con người. Tình yêu của người trẻ thực sự đáng được trân trọng, giữ gìn, đồng cảm. Viết về tình yêu không có gì sai, nhưng phải viết thế nào để có ý nghĩa, và ý nghĩa truyền đi đó là gì? Viết về tình yêu không phải kiểu “anh yêu em, em yêu anh rồi hai đứa mình yêu nhau” bài nào cũng tương tự bài nấy. Cũng không phải chỉ bằng vài ba câu chải chuốt bóng bẩy vô thưởng vô phạt, nhạt nhẽo và sáo rỗng. Vậy mà hàng chục quyển tản văn, mỗi quyển có hàng chục bài viết, hầu như đều na ná nhau.

Những quyển sách đó mang giá trị gì về tư tưởng hoặc thẩm mỹ? Hẳn nhiên là sẽ có hiệu ứng thị trường nhất định, nhưng điều đó bắt nguồn từ đâu? Cái mà người đọc tiếp nhận được sau tác phẩm chẳng qua cũng chỉ là những tâm sự vu vơ, những đồng cảm dễ dãi nhất thời, sẽ để lại dấu ấn được bao lâu? Có những bài đọc từng câu từng đoạn thì bóng bẩy, nhưng đọc hết bài thì lại chẳng ăn nhặp gì nhau, không logic thống nhất. Cuối cùng, người đọc không khỏi ngạc nhiên vì chẳng biết tác giả đang muốn nói về cái gì, không có vấn đề gì được nêu ra hay giải quyết, chẳng qua là những dòng cảm nghĩ tạp nham lắp ráp, chắp nối. Có những bài, đọc xong cứ ngỡ như người viết không phải đang “tâm tình” về chuyện tình yêu, mà là đang dùng văn chương để ca tụng sự cao thượng của mình trong tình yêu. Chưa kể đến việc chúng lại còn có phần “bi lụy hóa” 

Tôi thích cách nói có phần mỉa mai của một Facebooker có nickname Sas Ri: “Thêm một cái nhất cho Việt Nam! Quốc gia duy nhất trên thế giới có ‘dòng văn học status facebook’ thống lĩnh trong danh sách best-seller”. Nhưng xin lỗi, thú thật trước giờ tôi chưa từng xem đó là những tác phẩm văn học đúng nghĩa! Nếu muốn PR đánh bóng tên tuổi, người ta có thể và có quyền viết như thế. Nhưng nếu muốn tạo ra một thứ văn chương thực sự, thì dường như không phải như thế. Vấn đề này, Nam Cao ngày trước từng nhận định rất thấm thía: “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có”.

Trong khi đó, rất hiều bạn trẻ ra sức bênh vực loại văn chương mà mình ái mộ. Thậm chí có bạn viết: “Tôi và rất nhiều người như tôi cũng không tôn vinh thứ mà mình đang đọc chứa đựng tư tưởng thẩm mĩ gì lớn lao”. Thật phũ phàng quá! Người đọc văn chương mà nói rằng không tôn vinh tác phẩm chứa đựng tư tưởng lớn, thì nhà văn còn viết để làm gì nữa? Những tác phẩm kinh điển của nhân loại và những giải thưởng văn chương danh giá còn tồn tại để làm gì, khi mà người đọc không cần những tác phẩm mang tư tưởng lớn.

Ta hãy đọc lại lời Belinsky: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”. Hay như Nguyên Ngọc nói: “Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người”.

Nhân đây lại bàn bạc rộng hơn, về cụm từ “văn hóa đọc” mà một bạn trẻ đã nhắc đến trong lời tranh luận của mình: “Mang suy nghĩ cá nhân của mình mà phê phán cả một nền văn hóa đọc thì có phiến diện quá không?”. Văn hóa đọc là gì? Hẳn không phải chỉ cầm quyển sách lên và đọc từ trang đầu tới trang cuối là xong. Nói tới “văn hóa” nghĩa là còn bao hàm nhiều phương diện khác, rất rộng lớn. Hãy nên xác định đọc cái gì, đọc để làm gì, đọc như thế nào, và tác động sau khi đọc. Cá nhân tôi nghĩ rằng, việc đọc những quyển “sách thị trường” của các bạn trẻ hiện nay chưa thể hình thành một “nền văn hóa đọc riêng” được.

Trong Cuộc thi hùng biện BNW 2014 ngày 2/3/2014 tại Hà Nội, bàn về văn hóa đọc,  sinh viên Nguyễn Thành Đạt nói: “Quá nhiều câu chuyện tình cảm phi thực tế, hồng hóa cuộc sống. Các bạn say trong ngôn tình, đắm chìm trong các câu chuyện về tình yêu qua email, game. Trong khi đó, cám dỗ cuộc đời khác với những con chữ trong sách”. Còn sinh viên Lê Khánh Linh nhận định: “Có người có thể khóc sướt mướt vì cuốn tiểu thuyết ngôn tình đẫm lệ nhưng lại thờ ơ trước những yêu thương bình dị xung quanh… Văn hóa đọc với tôi, là gấp cuốn sách lại và mở cuộc đời ra”.

Cách đây không lâu, báo điện tử Vietnamnet cũng có bài “Tổ chức Ngày Sách để cứu văn hóa đọc”. Tôi nghĩ việc “cứu” này không phải là dễ dàng khi còn quá nhiều người trẻ cứ chỉ mãi biết đến mỗi loại “sách thị trường”. Chỉ riêng nói về mảng văn học, trong đại bộ phận giới trẻ hiện nay, nhất là giới học sinh sinh viên, liệu có bao nhiêu người biết đến tên tuổi và đã từng đọc tác phẩm của một số nhà văn lớn trong văn học Việt Nam đương đại? Một blogger có bút danh Chou Le nhận xét: “Sách thị trường cũng như nhạc thị trường. Có nhạc, có người hát, nhiều người nghe, thu nhập cao nhưng vô nghĩa… Bạn nghĩ cái mình viết ra là sáng tạo, là khác thường. Thú thiệt thì nó tầm thường nên mới tiếp cận được đám đông dễ dãi”.

Chợt nhớ một câu nói dí dỏm của cố nhà văn Võ Hồng: “Thật khó nói chuyện với người chỉ đọc một cuốn sách. Thà đừng đọc gì hết”. Văn chương, có những chuyện thật đáng buồn. Có người dành cả đời để viết một vài tác phẩm có giá trị, nhưng cũng có người chỉ vài năm đã trở thành “nhà văn” nổi tiếng khi in ra hàng triệu bản kiểu “sách thị trường” nói trên. Thử hỏi nếu “văn học thị trường” càng lúc càng chiếm vị trí quan trọng trong văn học thì sẽ còn được bao nhiêu người viết tâm huyết với ngòi bút, viết bằng cả tình yêu thương, hạnh phúc và khổ đau? Tìm đâu ra những tác phẩm có giá trị? Nền văn học nước nhà rồi sẽ đi về? Chúng ta đang thấp hơn nhiều bậc so với thế giới, và có thể sẽ càng ngày càng thụt lùi.

“Sách thị trường” trở thành hiện tượng “hot” và được mọi người săn lùng, trong khi những tác phẩm văn học thật sự có giá trị vẫn hiên ngang… phủ bụi trong nhà sách.
  
VĨNH THÔNG

Nguồn: bongtram.com


Xem tiếp…

TÌNH NỒNG KHÓA MÔI - thơ Phan Nam

9:30 PM |
nằm hong miền nhớ phù trầm
nhớ người đêm sương lặng thầm nhả tơ
tơ lòng ái tình tròn vo
cân đo kỷ niệm chơ vơ giữa đời

à ơi khúc hát xa xôi
à ơi mạn thuyền bờ môi giao vần
à ơi trăng gầy bâng khuâng
à ơi điệu gió nga ngân câu hò


đưa tay cất giấu biển mơ
ngăn cửa mặn mòi phất phơ nhang mềm
cánh cò bay mãi tháng năm
chia lời chát đắng bấu gầm không gian

lỡ vương cung đàn giai nhân
mặc kệ trinh nữ hồ giang mịt mùng
chớp bóng một đêm lỡ làng
đẩy đưa mật ngọt trao nàng lời ru

mạng nhện sao mãi giăng tơ
mạng tình đứt lưới tim vo sẹo lòng
tắt dần bếp lửa đêm trong
tắt dần thân xác tình nồng khóa môi

PHAN NAM


Xem tiếp…

Người Quảng yêu thơ...

11:29 AM |
 NGƯỜI QUẢNG YÊU THƠ

Họ đến với thơ bằng tình yêu và sự đam mê. Từ nhiều ngành nghề khác nhau, họ đều đặn tham gia sinh hoạt tại những câu lạc bộ thơ ở các địa phương, với chung niềm cảm hứng và tình yêu thi ca.

Trên địa bàn Quảng Nam có hàng chục câu lạc bộ (CLB) thơ ca: CLB thơ “Sông Tranh” (Hiệp Đức), “Trường Giang “(Tam Kỳ), “Biển Rạng” (Núi Thành), “Vu Gia”, “Trăng Non”, “Phú Hòa”, “Nam Trân” (Đại Lộc), CLB thơ và nhiếp ảnh (Điện Bàn), chi hội UNESCO Thơ Đường Quảng Nam, CLB thơ Giáo chức Thăng Bình, CLB Văn học - Trường Đại học Quảng Nam... Các CLB đã góp phần  làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, cho nguồn lực sáng tạo và hưởng thụ văn học nghệ thuật.

Thành viên các CLB hoạt động tự nguyện, tự quản, tự lo kinh phí trên tinh thần đoàn kết, tạo sân chơi bình đẳng. Đáng mừng là, các CLB đã tập hợp các sáng tác của hội viên và cho ra đời nhiều tập thơ. Ví như CLB chi hội “UNESCO Thơ Đường Quảng Nam” nay đổi thành Chi hội “Thơ Đường Quảng Nam”, tạo nên sân chơi hấp dẫn, bổ ích đối với những người lớn tuổi. Hay như CLB “Thơ cựu giáo chức huyện Thăng Bình” chỉ mới ra đời (là một trong những CLB thơ cựu giáo chức đầu tiên của tỉnh) nhưng họ cũng đã góp cho đời những bài thơ hay và tiếp tục gieo những hạt giống thi ca...

Không gian ngày thơ Việt Nam rằm nguyên tiêu 2016 Tại Khổng Miếu, Tam Kỳ 
(ảnh: Phan Nam)

Thế mạnh của nhiều CLB thơ là bám sát địa bàn, đi vào cuộc sống đời thường. Vì kinh phí hoạt động hạn hẹp, anh em trong CLB tự vận động, bỏ tiền in sách, cốt là để góp vui cho người yêu thơ. Và để nội dung sinh hoạt của các CLB thơ không bị nhàm chán, khô khan, hình thức, nhiều Ban chủ nhiệm CLB đã tích cực tổ chức đọc thơ, bình thơ, giới thiệu những tập thơ, bài thơ mới sáng tác của hội viên. Như CLB thơ Biển Rạng, từ ngày thành lập đến nay đã xuất bản được 3 tập thơ “Thơ Biển Rạng”, “Lửa hạ”, “Gió mặn” 

Nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, tình yêu quê hương đất nước, phong trào xây dựng nông thôn mới, ca ngợi những giá trị truyền thống văn hóa của quê hương Núi Thành. Như CLB “Sông Tranh” của huyện Hiệp Đức, duy trì CLB thơ gần 10 năm với hơn 30 thành viên gồm những cán bộ công chức, giáo viên, người về hưu và cả những người nông dân tay lấm chân bùn. Ông Thái Bảo - Dương Đuỳnh, thành viên CLB thơ Sông Tranh vui mừng thông báo, CLB chuẩn bị ra mắt tuyển tập mới “Vẫy nắng lên xanh”.

Ở Đại Lộc, mảnh đất của nhiều thi sĩ nổi tiếng, một huyện đã có đến 5 CLB thơ như “Vu Gia”, “Trăng Non”, “Phú Hòa”, “Nam Trân”, “Phú Gia”. Các CLB đã cho ra đời nhiều tập thơ như “Hương xuân”, “Nắng thu” và “Thượng Đức - Khúc tráng ca”... Cụ bà Tạ Thị Quế, hội viên CLB thơ Vu Gia, ở tuổi ngoài 80, bà đã cho ra mắt tập thơ đầu tay “Cây gạo đầu làng” (NXB Văn học – 2013) với gần 50 bài thơ. Đọc thơ của bà, sẽ đồng điệu bởi những cảm xúc tinh khôi về làng quê, về tuổi thơ bên dòng Vu Gia thơ mộng.

HÀ AN
Ảnh: Phan Nam

Nguồn tin: Báo Quảng Nam



Xem tiếp…

THƠ ĐỔI MỚI VÀ ĐỔI MỚI THƠ - Nguyễn Trọng Tạo

10:40 AM |
Nhạc sĩ  Nguyễn Trọng Tạo
Trong quá trình đổi mới của mỗi giai đoạn văn học, Thơ vẫn thường đóng vai trò tiên phong. Nó là một loại hình nhạy bén bậc nhất, nắm bắt và dự báo sự chuyển biến mạnh mẽ của thời đại. Có người coi Thơ như người lính xung kích của đạo quân văn học là vì vậy. Nhưng cũng chính vì vai trò xung kích, tiên phong ấy nên số phận của Thơ không chỉ có vinh quang, mà nhiều khi phải chịu nhiều cay đắng.
Trong lịch sử Thơ ca, nhiều nhà thơ, bài thơ phải trả giá đắt trên con đường tìm kiếm những giá trị mới của mình. Cuối thế kỷ thứ 19, tập thơ Lá cỏ của nhà thơ Mỹ Oan Uytman trước khi được toàn thế giới hâm mộ đã từng bị coi là “một cuốn sách bất lịch sự”, và tác giả của nó liền bị viên Bộ trưởng Nội vụ đuổi ra khỏi cơ quan nhà nước. Đấy là ở Mỹ. Còn ở ta? Không phải không có những sự kiện tương tự như vậy. Tập thơ Cửa mở của Việt Phương trước năm 1975 vừa cất lên một tiếng Thơ mới lạ, lập tức bị chối từ, bị lên án gay gắt. Cho mãi tới công cuộc đổi mới, giá trị mới mẻ của nó mới được đánh giá lại, được tái bản. Quả là việc tiếp nhận sự cách tân cả nội dung lẫn hình thức của Thơ không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản.
Trước 1975, thơ miền Bắc mạnh về “cái ta công dân”, thơ miền Nam mạnh về “cái tôi cá nhân”, nhưng sau thống nhất đất nước thì thơ cả 2 miền xích lại gần nhau và ngả dần vào “cái tôi bản ngã”. Đến thời kỳ đổi mới thì có thể nói là thơ nở rộ “cáitôi” muôn màu muôn vẻ: “cái tôi mông lung”, “cái tôi trò chơi”, “cái tôi dục tính”, “cái tôi vô thức”, cái tôi tâm linh” v.v… Rất nhiều người làm thơ xuất hiện, tuy nhiên, các nhà thơ nổi bật vẫn không nhiều. Điều đó không có gì lạ, vì nhiều nhà thơ thiếu cá tính sáng tạo, thiếu tư tưởng mới mẻ nên không đủ tạo ra một phong cách thơ độc đáo.
Trong sáng tác, không một nhà thơ nào lại không muốn thơ mình độc đáo, sâu sắc và mới mẻ khi đặt nó giữa rừng thơ nhân loại. Những nhà thơ Việt Nam xuất sắc đều xuất hiện như một cá thể sáng tạo đầy cá tính riêng biệt.
Người ta nói rằng, cá tính sáng tạo bị triệt tiêu thì văn học có chung một gương mặt, đấy là cái mặt nạ của thần chết. Sự tôn trọng cá tính, phong cách, trường phái bao giờ cũng làm cho văn học phong phú và đa phức. Có thơ đọc để hiểu và có thơ đọc để cảm. Có thơ để nói chí và có thơ để chơi… Từ lâu, Cao Bá Quát đã chạm tới cái thăm thẳm của thơ khi ông cho rằng“Cố tình hiểu nghĩa chỉ dại thôi” (tức tâm liễu nghĩa chân như si). Câu thơ của Cao tiên sinh như còn nhắc mãi những người“chăn thơ”, phán xét thơ hãy thận trọng. Nếu chỉ quen lối “chăn thơ” của thời bao cấp thì không thể có thơ đổi mới.
Đổi mới thơ là tự thân của sáng tạo thơ. Nhà thơ nào cũng muốn làm mới thơ mình, làm khác thơ người khác. Nhưng muốn làm và làm được, đâu phải chuyện dễ, nhiều khi lực bất tòng tâm. Nhìn lại cuối thế kỷ 20 rất nhiều nhà thơ thế hệ chống Mỹ tự dừng lại với những gì mình đã có. Nhưng vẫn còn một số nhà thơ tiếp tục “cách tân” mình như Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Bằng Việt, Vũ Quần Phương v.v... Cách tân theo lối thơ Tây, và cũng có người cách tân theo lối Việt, thậm chí có cách tân theo lối thơ phương Đông. Tôi cũng là người thời trẻ rất thích thơ Tây, và thơ Tây cũng đã kích thích sự cách tân thơ tôi, nhưng phải đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20, tôi mới nhận ra mình cần phải cách tân theo lối phương Đông. Nhờ thế mới có tập thơ “Đồng dao cho người lớn” và mấy tập thơ sau đó. Hoàng Trần Cương với trường ca “Trầm tích” cũng làm cho thế hệ chống Mỹ hiện đại hơn khi anh đưa vào thơ dày đặc những động từ, tạo nên một “thi pháp động” trong thơ ta trước năm 2000…
Nhưng với đổi mới thơ, tôi đặc biệt chú ý đến thế hệ trẻ sau chúng tôi, sau cả Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Tuyết Nga… Tôi rất thích sự táo bạo thơ của họ. Họ táo bạo vì họ còn trẻ, họ còn tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Tôi còn nhớ, khi làm số báo THƠ kết thúc năm Giáp Thân (tháng 12/2004) tôi đã giới thiệu chùm thơ đầu tay của một nữ tác giả đang học lớp 12, đó là em Trương Quế Chi, sinh năm 1987. Mới 17 tuổi mà Chi đã có một thành tích đáng nể: Giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU 30, Giải thưởng nữ sinh Việt Nam 2003, đã xuất bản 7 tập truyện do em dịch từ tiếng Pháp, và trong “gia tài văn học” đầu đời đã xếp đầy những bài thơ có thể nói là độc đáo và sâu sắc. Thử đọc một trong số những bài thơ của Chi:
Chọn

Sáng
một cuốn thơ và một bát cơm
thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?
tôi chọn cuốn thơ.

Trưa
một cuốn thơ và một bát cơm
thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?
tôi chọn cuốn thơ.

Tối
một cuốn thơ và một bát cơm
thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?
tôi cần cơ hội để biết:
thơ hay đến mức nào để từ chối bát cơm!

Tôi khá bất ngờ sau khi đọc bài thơ Chọn (và nhiều bài thơ khác) của Quế Chi. Hoá ra những người làm thơ trẻ hôm nay không chỉ làm thơ bằng bản năng, mà ngay từ khi cầm bút, họ đã ý thức được việc mình làm. Đấy là sự hướng tới những giá trị đích thực của nghệ thuật, cái “món ăn tinh thần cao cấp” trong đời sống đầy trần tục của con người. 
Nhà thơ , nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo là người vẽ lá cờ biểu trưng của ngày thơ Việt Nam (ảnh: Phan Nam)
Khi 20 tuổi, Văn Cầm Hải viết: “Trên da bụng em nườm nượp tiếng khóc”, “người dương cầm lên cơn tổng phổ”,”Đời chị như viện bảo tàng/ treo đầy mặt nạ đàn ông” là khi anh đã tuyên ngôn cho thơ mình “Dù thời đại lưỡng tính/ anh không ăn bóng một thời đã qua”. Đúng là “hệ thơ chống Mỹ” không hề có một tư duy thơ như thế, và người thơ 20 tuổi ấy đã xuất hiện đúng với sự tự lựa chọn của mình khi cho xuất bản tập thơ Người đi chăn sóng biển (Nxb Trẻ,1994) và những bài thơ sau đó chưa xuất bản thành sách. Thơ Văn Cầm Hải thoát khỏi lối viết tả thực mà tạo ra những ẩn dụ trừu tượng mới, chứng tỏ anh không hề bị “cớm bóng” dưới những đại thụ trước anh. Vi Thuỳ Linh, cô bé 18 tuổi đã giõng dạc tuyên ngôn cho thơ mình“Tôi không bao giờ hoá trang để nhập vai kẻ khác”. Và cô đã làm được điều đó qua những tập thơ Khát (Nxb Hội Nhà văn,1999) và Linh (Nxb Thanh Niên,2000). Thơ Vi Thuỳ Linh trình bày “cái tôi không xấu hổ” trước những khuôn phép đầy dị nghị. Câu chuyện tình dục trong thơ Vi Thuỳ Linh khởi ra những cuộc tranh luận không ngã ngũ, làm xôn xao người đọc như một hiện tượng mới lạ trong thi đàn. Dù còn nhiều hoang mang trong sự nổi tiếng, hiếu danh, nhưng cũng đã có những câu thơ thực sự mới và hay: “chúng mình buồn như cặp bánh phu thê/ chiều quắt lại như mặt người ốm dậy”. 

Phan Huyền Thư lại “Nằm nghiêng” trường kỳ trong ký hiệu những con chữ và tuyên bố: “Có lúc/ chữ nghĩa/ tôi cũng nhai nát trong miệng/ rịt vào vết thương người làm tôi đau”. Những cảm thức văn hoá đã bị những khinh mạn chua cay pha chút đanh đá của một Thị Mầu đời mới đã khiến thơ Phan Huyền Thư ngả sang một chiều hướng khác với các giọng điệu cùng thời, và gây được ấn tượng nhoi nhói rất đáng kể. Cho dù Thư dùng quan niệm “Phật sát Phật” để trình bày quan điểm về thơ của mình, thì cái chất chua cay thi sĩ vẫn in đậm trong thơ của cô: “Váy ngắn thì chân phải cong” hoặc “yêu đương thì phải giữ gìn/ vào sau cửa buồng vần vũ mười lăm phút/ ra đường đoan trang chớp mắt thướt tha”. 
Đã có nhiều nhà thơ nhìn Thị Mầu với cặp mắt ưu ái, cảm thông, nhưng Phan Huyền Thư thì khác, cô bĩu môi trước những ả Thị Mầu 97 (đời mới), và Thư hiện lên trong làng thơ với một dáng điệu cợt cười nhân quả. Nguyễn Hữu Hồng Minh là người công khai thú nhận chịu ảnh hưởng của của các nhà thơ thần tượng trong và ngoài nước ngay từ thuở ban đầu bước chân vào làng thơ, nhưng anh cũng là người quyết liệt trong sự bứt thoát ra khỏi tính trung tính biếng lười của chữ nghĩa. Anh cúi sát xuống hiện thực để phát hiện ra những điều thật lạ lung trong “Chất trụ”, “Bồn cầu”, “Hải cảng”: “Tôi đã ăn một hải cảng trong vòng ba tiếng đồng hồ... Tôi đang ăn cái đầu tôi”... Ký ức và hiện tại đan dính nhau qua tưởng tượng lạ lùng của nhà thơ, khiến thế giới thơ ca mở rộng đến vô cùng. Đầu thế kỷ 20 làng thơ trẻ đau đớn mất đi đột ngột một ngôi sao 25 tuổi, đó là Lãng Thanh. Cậu sinh viên vừa ra trường, thông thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung đã qua đời trong một tai hoạ, để lại một tập thơ Hoa được bạn bè trong nhóm Chí Tâm đưa đến nhà xuất bản Thanh Niên và ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2003 khiến độc giả thảng thốt trong luyến tiếc. Đọc thơ Lãng Thanh, người ta như bị thôi miên vào một thế giới đầy ma mị và dễ vỡ, ngỡ như lạc vào siêu khí của Hàn Mạc Tử xưa lẫn xứ chân không của các nhà du hành vũ trụ thời nay. “Mẹ ơi! Ngòi bút của con mềm dịu như gió/ Con phiêu lãng cùng non tận thuỷ/ Nhưng những đoá hoa đánh con đau quá/ Con trở về bằng vết máu đầy tay” là những câu thơ mang chứa đầy ắp bất an. Đó là ý hướng lạ mà Lãng Thanh đã lựa chọn để trình bày hồn thơ của mình trước những ba động bộn bề của xã hội hôm nay...
Hầu hết những người làm thơ trẻ đều biết tự ý thức lựa chọn con đường riêng để đến với thơ ca. Những thuận lợi về học vấn và xã hội đã dành cho các nhà thơ trẻ như một đặc ân sau những triền miên đồng ca văn học một thời. Nhưng không phải tất cả những con sóng đều tới bờ, những nhà thơ thực sự có tài và đam mê sáng tạo sẽ tự khẳng định mình bằng chính tác phẩm, nhưng nhiều người làm thơ đã bỏ thơ ngay sau khi họ vừa xuất hiện. Có thể họ nhận ra sáng tạo thơ không thuộc về họ, hoặc họ còn có những nhu cầu khác khẩn thiết hơn thơ, như làm giàu chẳng hạn. Vẫn còn không ít người tiếp tục “u mê thơ ca”. Mỗi ngày, họ lại bị cái đống xác chữ đè nặng tâm hồn cho đến lúc họ không thể thoát ra được nữa...
Vẫn biết mới và khác là 2 yếu tố ban đầu của sáng tạo, nhưng sau mới và khác là phải hay? Nếu thơ không làm mới nghệ thuật ngôn ngữ của chính nó, không có tư tưởng gì cả thì mới và khác chả có ý nghĩa gì hết. Điều đó lại cần có tài thơ, như là thiên phú - trời cho.
Cũng cần nói thêm, đổi mới, sáng tạo rất cần tới sự bảo hiểm của chính thống xuất phát từ Nhà nước. “Nhà nước có thể áp đặt một thị kiến với thế giới, rồi ngăn cản những thị kiến khác trỗi dậy, và tiêu diệt những thứ nào che khuất thị kiến của mình” - Nhà văn Octavio Paz đã từng chỉ ra: “Nhà nước có thể khuyến khích nghệ thuật mà không làm đồi truỵ nó, nhưng ngay khi Nhà nước tìm cách lợi dụng nó, thì chính Nhà nước làm nó biến dạng, ngợp thở, hoặc cải hóa nó thành một mặt nạ”.
Sáng tạo, đổi mới VHNT (đặc biệt với thơ) không chỉ có vinh quang mà còn đầy nguy hiểm, cay đắng. Từ những bài học của lịch sử, tôi cho rằng, để cho đổi mới liên tục phát triển, Nhà nước cần phải biết ứng xử công minh đối với các giá trị văn học, các trường phái, các thi pháp, các quan điểm khác nhau, mới hy vọng có những tác phẩm mang tính tư tưởng nghệ thuật lớn trong nền văn học mới của xã hội.

Hà Nội, tháng 5-2015
NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nguồn: http://vinhthongts.blogspot.com/


Xem tiếp…

Huỳnh Ngọc Phước PHỤC SINH MÌNH

1:02 PM |

Tác giả trẻ Huỳnh Ngọc Phước
Huỳnh Ngọc Phước sinh năm 1996 tại Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất châu thổ phù sa đã hình thành một hồn thơ sâu lắng, nhẹ nhàng với biết bao hình ảnh về quê hương đất nước. 

Bắt đầu viết từ lúc 15 tuổi ở các thể loại thơ, văn, vọng cổ và sớm khẳng định tên tuổi khi tác phẩm của Huỳnh Ngọc Phước được nhiều người biết đến và góp mặt tại nhiều báo, tạp chí, tuyển tập thơ văn. 

Thời gian gần đây, tác phẩm của Phước có nhiều thay đổi: chiêm nghiệm nhiều hơn, trăn trở nhiều hơn, phá cách nhiều hơn và cũng “già dặn” hơn. Phan Nam xin trân trọng giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu:


CÂU THƠ XUÔI VÀM KINH

Ta rẽ sóng xuôi vàm kinh hun hút
Điên điển vàng trên những khúc đê xa
Giọt sương trắng còn quẩn quanh cành lá
Văng vẳng đưa về đôi khúc dân ca.

Ta bước nhẹ trên bờ đê nhỏ
Ngọn khói bay dài, trắng cả mênh mông
Cô thôn nữ cầm chèo khua sóng
Mái chèo nghiêng giọt nước nhớ mong.

Bao năm rồi ta lưu lạc phương xa
Như con nhạn bay về nơi ảo mộng
Dấu chân xưa như mòn theo đất khách
Qua những con đường mang mang thực hư.

Cánh đồng xưa có còn thơm rơm rạ
Cây me đầu vàm hoa còn nở đỏ không
Quán ven sông ai còn ngồi nhấp rượu
Để câu thơ buồn trôi tím mênh mông.

ĐỪNG THƯƠNG ANH NGƯỜI NGHỆ SĨ GIANG HỒ

đừng thương anh
kẻo những câu thơ chạm vào mắt em
tuông thành nỗi nhớ
em - anh

đừng thương anh
người nghệ sỹ trăm miền xuôi ngược
buồn mọc từ trong mắt
vui rong mãi chưa về

ừ ! nghệ sỹ thương hồ
treo mình nửa đầu cảm xúc
bất chợt nhớ
để rồi
bất chợt quên - em

đừng thương anh
vạn nỗi đau chìm vào hơi thở
em - buồn
kẻo xuân vô tình bay mất

ừ ! thôi, đừng thương anh…


PHỤC SINH MÌNH

Thôi cảm xúc đừng tìm về ta nữa
Những câu thơ không cứu rỗi linh hồn
Ta thà chết - chôn đi đời thi sĩ
Chứ không thèm viết tiếp một câu thơ.

Thôi cảm xúc đừng tìm về ta nữa
Con chữ khờ sắp lại chẳng thành câu
Ta cũng sắp trăm ngàn lần... rỉ máu
Để chuyển mình viết tiếp một câu thơ

Thôi cảm xúc đừng tìm về ta nữa
Những dư âm tắt lịm dưới quan tài
Giờ ta chết - nằm đợi ngày - được sống
Phục sinh mình phá cách một câu thơ.


HUỲNH NGỌC PHƯỚC
Xem tiếp…